Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

[Tám mươi ngày vòng quanh thế giới] Chương 14

Chương 14: Đến Benares




Kế hoạch liều lĩnh đã thành công mỹ mãn, và Passepartout không thể ngừng ngoác miệng cười suốt cả tiếng đồng hồ sau đó. Ngài Sir Francis siết chặt lấy tay anh chàng táo tợn, còn chủ anh của anh đã nói, “Làm tốt lắm!”, điều đó được nói ra từ miệng quý ông máy móc hào hoa này tương đương một lời khen đáng giá; Passepartout chỉ trả lời rằng đó là nhờ lòng nóng nảy của ngài Fogg. Còn như với anh, anh chỉ bị ám ảnh bởi một ý tưởng rồ dại; và anh chàng cười phớ lớ khi nghĩ về chuyện, anh ta, Passepartout, từng là lính cứu hoả, từng là chuyên viên thể thao, là người đàn ông của những quý bà quyến rũ, và là một xác ướp vương hầu đáng kính! Còn người phụ nữ Ấn Độ, nàng vẫn đang bất tỉnh nhân sự suốt thời gian cuộc giải cứu diễn ra. Nàng được bọc kín trong chiếc chăn du lịch và nằm bẹp trên bành voi.


Nhờ công cậu quản tượng người Parsee khéo léo, con voi chạy nước kiệu nhanh chóng vào khu rừng vẫn còn chìm trong bóng tối, và một giờ sau khi trốn khỏi đền thờ, họ đã đến đồng bằng rộng lớn. Họ dừng chân nghỉ lấy sức lúc bảy giờ sáng, và cô gái vẫn chìm trong tình trạng hoàn toàn suy nhược. Cậu hướng dẫn giúp nàng uống một chút brandy pha nước, nhưng cơn buồn ngủ tê dại vẫn chưa buông tha nàng. Ngài Sir Francis, vốn quen với sự ảnh hưởng của thuốc phiện làm từ cây gai, bảo đảm với đồng bạn rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp sớm thôi. Ngài lo lắng cho tương lai của cô gái hơn. Ngài nói với Phileas Fogg rằng, nếu Aouda tiếp tục trụ lại Ấn Độ thì sớm muộn cô cũng sẽ bị lũ đao phủ truy được. Bọn cuồng tín sống rải rác khắp đất nước và luôn có cách để cướp lại nạn nhân ở Madras,Bombay hoặc Calcutta, bất chấp sự tồn tại của cảnh sát Anh. Cô gái chỉ có thể được an toàn nếu thoát khỏi Ấn Độ mãi mãi.


Phileas Fogg đáp rằng ngài sẽ suy nghĩ về việc đó.


Nhóm người có mặt ở ga Allahabad khoảng mười giờ sáng. Tuyến đường ray vốn bị gián đoạn đã được phục hồi, nên thời gian đến Calcutta rút ngắn lại không đến hai mươi giờ đồng hồ. Điều đó cũng có nghĩa Phileas Fogg sẽ kịp bắt chuyến tàu thuỷ rời Calcutta vào buổi chiều ngày 25 tháng mười đến Hồng Kông.


Cô gái được bố trí nghỉ ngơi ở sảnh đợi của ga, trong khi Passepartout được giao nhiệm vụ đi sắm sửa vài món vận dụng cá nhân linh tinh dành cho phụ nữ, một bộ áo dài, khăn choàng và áo khoác lông; vì mấy thứ này mà ông chủ giao cho anh không ít tiền mặt. Passepartout chạy đi thu xếp ngay tức khắc, và nhận ra mình đang ở Allahabad, Thành phố của Chúa, một trong những thành phố thiêng liêng nhất Ấn Độ, được xây dựng trên giao lội của hai dòng sông thần thánh Sông Hằng và Jumna, đích đến của những người hành hương từ khắp mọi miền bán đảo. Theo như huyền thoại Ramayana, thượng nguồn sông Hằng bắt đầu từ thiên đường và được Brahma dẫn xuống Trái Đất.


Passepartout vào thẳng việc, sắm sửa đồ đạc rồi ngó nghiêng phố xá. Thành phố được bảo bọc bởi một dãy pháo đài hoàng gia kiên cố, nay được cải tạo lại thành nhà tù tiểu bang; những khu chợ buôn bán ồn ào khắp mọi nơi khiến Passepartout cảm thấy như anh đang trở về thời gian làm kẻ bán đồ dạo ở Regent Street. Cuối cùng anh bắt gặp một ông già bán bài cũ khô đét cau có người Do Thái, và mua của ông ta một chiếc váy Scotch, một chiếc áo choàng dày, một chiếc áo tơi bằng da rái cá mà theo anh là đáng giá bảy mươi lăm bảng. Rồi anh thoả mãn trở về ga tàu.


Chất gây nghiện mà đám tu sĩ ở đền Pillaji chuốc cho Aouda bắt đầu mất dần tác dụng, nàng trở nên có sức sống hơn, đôi mắt trong trẻo của nàng trở lấy lại thần khí dịu dàng và mẫn tuệ.


Khi nhà vua kiêm thi sĩ Ucaf Uddaul ca ngợi sức hấp dẫn của nữ hoàng Ahmehnagara, ngài đã nói:


“Mái tóc mềm mại như tơ ôm lấy đường nét gương mặt hài hoà sinh động của nàng, và đôi gò má tinh tế ửng hồng khiến nàng càng rạng rỡ và tươi tắn. Cặp lông mày của nàng đen như mun và cong như chiếc cung bất ly thân của vị thần tình yêu Kama, và ẩn dưới hàng mi dài mềm như lụa là đôi mắt trong suốt tinh khiết dìm người ta chìm vào đáy hồ tràn ngập ánh sáng thần thánh ở Himalaya. Hàm răng trắng đều tăm tắp thoắt ẩn thoắt hiện giữa đôi môi luôn cười của nàng trông hệt như những giọt sương sớm đọng trên đoá Chi Lạc Tiên đang e ấp. Vành tai tinh xảo xinh đẹp, bàn tay hồng hào, bàn chân nhỏ nhắn và mềm mại như những nụ sen mới nhú của nàng được tôn vinh bởi những viên ngọc trai quý giá nhất của Ceylon và những viên kim cương rực rỡ nhất của Golconda. Tuổi thanh xuân của nàng phô bày hết sức sống của nó qua bộ ngực nảy nở, vòng hông căng mọng và vòng eo mượt mà chỉ cần một vòng tay đã ôm trọn; dường như ẩn dưới tà áo lụa kia là một tuyệt tác bằng bạc nguyên chất được chính bàn tay tài hoa của thiên tài điêu khắc bất tử Vicvacarma nâng niu và chạm khắc.”


Không cần nói gì thêm ngoài bài vè văn vẻ kia là đã đủ để hiểu rằng Aouda là một người phụ nữ hết mực quyến rũ. Nàng dùng tiếng Anh thành thạo và ngân nga, và cậu hướng dẫn quả đã không nói quá rằng người phụ nữ Parsee đã được thay đổi hoàn toàn nhờ giáo dục.


Chuyến tàu ở Allahabad chuẩn bị lên đường, và ngài Fogg trả công hậu hĩnh cho cậu hướng dẫn như đã hứa; điều khiến Passepartout ngạc nhiên là cậu hướng dẫn thực sự thành tâm tận tuỵ phục vụ ngài Fogg. Cậu ta đã mạo hiểm cả mạng sống khi tham gia vào cuộc phiêu lưu ở Pillaji, và nếu sau đó cậu bị bọn cuồng tín người Ấn bắt được thì cậu khó tránh khỏi kết cục bị trả thù tàn độc. Kiouni cũng cần phải được lo liệu nữa. Phải làm gì với con voi đắt giá này bây giờ? Phileas Fogg đã quyết định xong về vấn đề này.


“Parsee,” ngài nói với cậu hướng dẫn, “cậu đã làm việc xứng đáng và tận tâm. Tôi đã trả tiền dịch vụ, nhưng chưa khen thưởng sự tận tâm của cậu. Cậu ưng con voi này không? Nó là của cậu đấy.”


Đôi mắt cậu hướng dẫn sáng ngời.


“Quý ngài đang cho tôi cả một gia tài.”


“Nhận nó đi, cậu hướng dẫn,” ngài Fogg đáp, “và tôi vẫn sẽ là người mắc nợ cậu.”


“Tốt lắm!” Passepartout vui vẻ. “Nhận đi, anh bạn. Kiouni là một con thú dung cảm và trung thành.” Rồi anh trèo lên lung con voi và đút cho nó vài mẩu đường, “Đây, Kiouni, đây, đây.”


Con voi rừ rừ thoả mãn và dùng vòi quấn quanh hông Passepartout, nhấc bổng anh lên cao ngang đầu nó. Passepartout không giật mình hoảng sợ chút nào. Anh vỗ về con thú và đợi nó nhẹ nhàng thả anh xuống đất.


Một lát sau, Phileas Fogg, Sir Francis Cromarty và Passepartout đã yên vị trong cabin tàu cùng với Aouda – được sắp xếp chỗ ngồi thoải mái nhất – để tức tốc đến Benares. Chỉ tám dặm đường trong hai tiếng. Trong lúc di chuyển, người phụ nữ trẻ đã hồi phục. Nàng hết sức kinh ngạc khi phát hiện mình đang ở trong một khoang trên tàu hoả, vận sức kiểu châu Âu và cùng với những du khách hoàn toàn xa lạ! Đầu tiên bạn đồng hành của nàng chào đón sự hồi sinh của nàng với một ít rượu mạnh, rồi Sir Francis tường thuật lại mọi chuyện cho nàng nghe, nhấn mạnh lòng dũng cảm bất chấp mạng sống để cứu nàng của Phileas Fogg, diễn biến hồi hộp của cuộc mạo hiểm và kết quả của ý tưởng táo bạo của Passepartout. Ngài Fogg chỉ im lặng; còn Passepartout bối rối liên tục nói “Không có gì đáng kể hết cả.”


Aouda nghẹn ngào cảm tạ các ân nhân của nàng bằng lệ; đôi mắt đẹp đẽ của nàng truyền đạt sự biết ơn thấu triệt hơn ngôn ngữ. Rồi khi liên tưởng lại khung cảnh của cuộc hiến sinh, tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc của mình chỉ mấy giờ trước đây thôi, nàng run lẩy bẩy trong hãi hùng.


Phileas Fogg hiểu điều gì đang nhiễu loạn tâm trí Aouda và đề nghị được hộ tống nàng đến Hồng Kông, nơi nàng có thể được an toàn cho đến khi mọi chuyện được bưng bít – một lời đề nghị mà nàng vui sướng chấp nhận. Có vẻ như nàng có một người họ hàng Parsee ở Hồng Kông – một thương nhân thành đạt ở vùng đảo thuộc địa phận Trung Hoa nhưng mang hoàn toàn sắc thái Anh quốc.


Tàu dừng ở Benares lúc mười hai rưỡi. Những câu chuyện trong thần thoại Bà La Môn đã xác nhận rằng thành phố này được xây dựng trên nền Casi cổ đại – là địa điểm mà, như hầm mộ của Mahomet, nằm giữa đoạn giao của thiên đường và nhân gian; tuy nhiên Benares của ngày hôm nay, được những nhà Đông Phương học gọi là thành Athens của Ấn Độ, đã hoàn toàn rớt xuống nền đất cứng rắn của trần gian, và Passepartout có thể thoáng thấy những toà nhà trơ gạch vỡ và những túp lều đất sét báo hiệu sự sụp đổ trong tương lai không xa khi tàu vào đến ga.


Benares là điểm cuối của Sir Francis Cromarty; đoàn quân của ngài đóng trại cách trung tâm thành phố về phía Bắc khoảng vài dặm. Ngài nói lời chia tay với Phileas Fogg, cầu chúc mọi điều tốt đẹp sẽ đến với ngài Fogg, và bày tỏ hy vọng một ngày nào đó ngài sẽ trở lại miền đất này lần nữa, tất nhiên là theo cách cổ điển và hợp lý  hơn. Ngài Fogg siết nhẹ tay của ngài Francis. Với nàng Aouda luôn ghi nhớ ân huệ của Sir Francis, lời tạm biệt được thể hiện ra ngoài nồng ấm hơn; còn Passepartout thì nhận được một cái bắt tay khen ngợi chân thành từ ngài thiếu tướng hào hoa phong nhã đó.


Đường ray rời Benares đi dọc thung lũng của sông Hằng. Qua cửa sổ của cabin hành khách có thể chiêm chưỡng thoáng qua những cảnh quan đa dạng của Behar: những dãy núi khoác một màu xanh mát mắt, những cánh đồng lúa mạch, lúa mỳ và ngô, những khu rừng nhiệt đới hoang sơ nơi cá sấu hoang trú ngụ, và cả những ngôi làng nhỏ bé yên bình gần những mảnh rừng cây dày lá. Đàn voi đang trầm mình trong dòng nước của con sông thiêng, và từng nhóm người Ấn Độ nghiêm túc hành lễ tẩy trần dù thời tiết se lạnh. Đó là những tín đồ Bà La Môn nhiệt thành, những kẻ thù cay nghiệt nhất của Đạo Phật; họ tôn thờ nữ thần mặt trời Vishnu, Shiva - hiện thân của những lực lượng tự nhiên nguyên thuỷ và thần thánh nhất, và Brahma, chúa tể tối cao cai trị các tu sĩ và các nhà lập pháp. Không biết thánh thần nghĩ gì về một Ấn Độ bị Anh hoá với tàu thuyền ầm ĩ lao ầm ầm dọc dòng sông Hằng khiến những đàn hải âu lướt trên mặt nước, những con rùa bơi lững thững men theo hai bờ, và những tín đồ trung thành thường hành lễ dọc mép sông bị kinh hãi?



Khung cảnh bao la lướt qua đáy mắt họ như ánh đèn chớp trong mộng và lưu lại trong đó khi nó khuất dần sau đuôi tàu thuỷ; hành khách không kịp nhận ra pháo đài cổ Chupenie của những vương hầu Behar nằm cách Benares hai mươi dặm về phương Tây Nam; hay mảnh đất Ghazipur và những nhà máy sản xuất nước hoa hồng nổi tiếng của nó; hay lăng mộ của Chúa tể Cornwallis sừng sững bên bờ trái sông Hằng; thị trấn Buxar kiên cố, hoặc dây chuyền sản xuất và kinh doanh tại chỗ Patna – nơi thường tổ chức hội chợ buôn bán thuốc phiện của Ấn Độ; thậm chí ngay cả Monghir, một thị trấn phong cách châu Âu, giống như Manchester hay Birmingham, với những xưởng đúc sắt, nhà máy luyện kim, và những ống khói thép khổng lồ phun từng đợt khói đen lên thẳng thiên đường.


Đêm dần đến; đoàn tàu lao đi vùn vụt giữa tiếng gầm gào của hổ, gấu, sói cảnh giác trước ánh sáng của đầu máy xe lửa; và những kì quan tuyệt diệu Bengal, Golconda, Gour, Murshedabad, thủ phủ cổ đại, Burdwan, Hugly, và thị trấn kiểu Pháp Chandernagor – nơi Passepartout hẳn sẽ tự hào lắm khi thấy lại quốc kì của đất nước mình phấp phới – đều chìm vào vòng tay ôm ấp của màn đêm.


Bảy giờ sáng họ xuống tàu ở Calcutta, và tàu thuỷ đến Hồng Kông rời bến vào buổi trưa; vậy nên Phileas Fogg có năm tiếng đồng hồ rảnh rỗi.


Theo như kế hoạch, ngài dự là sẽ có mặt ở Calcutta vào ngày 25 tháng mười, và hôm đó chính xác là ngày ngài dự kiến. Ngài chẳng muộn lấy một phút nhưng cũng chẳng sớm được mấy giây. Hai ngày tiết kiệm được trong chuyến từ London đến Bombay đã mất, như chúng ta đã thấy, trong chuyến đi xuyên Ấn Độ. Nhưng Phileas Fogg không chút hối hận.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét