Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

[Tám mươi ngày vòng quanh thế giới] Chương 15

Chương 15: Phiên toà và đôi giày của Passepartout




Chuyến tàu dần vào ga, và Passepartout nhảy ra ngoài đầu tiên, rồi đến ngài Fogg hộ tống nàng goá phụ trẻ cùng xuống. Phileas Fogg định đến thẳng tàu khách đến Hồng Kông để giúp Aouda cảm thấy dễ chịu thoải mái trong hành trình. Ngài không hề có ý để mặc nàng bơ vơ khi họ vẫn đang ở lãnh thổ nguy hiểm.


Ngay khi ngài định rời ga thì một viên cảnh sát tiếp cận ngài và nói, “Ngài Phileas Fogg?”


“Chính tôi đây.”


“Và đây là gia nhân của ngài?” Viên cảnh sát hỏi thêm khi chỉ vào Passepartout.


“Đúng vậy.”


“Cả hai hãy biết điều và theo tôi.”


Ngài Fogg không tỏ chút vẻ ngạc nhiên nào. Viên cảnh sát là đại diện của luật pháp, và đối với những quý ông Anh quốc, luật pháp là điều thiêng liêng bất khả xâm phạm. Passepartout cố tìm hiểu lý do nhưng tay cảnh sát dùng gậy gõ anh cảnh cáo, và ngài Fogg ra hiệu hãy phục tùng.


“Cô gái này đi với chúng tôi được chứ?” Ngài hỏi.


“Có thể.” Viên cảnh sát trả lời.


Ngài Fogg, Aouda và Passepartout bị tống vào một chiếc palkigahri, một dạng xe thùng bốn bánh hai ngựa kéo. Không ai nói tiếng nào suốt hai mươi phút trước khi đến điểm đến. Đầu tiên họ đi ngang qua khu ổ chuột với những con đường chật chội,  những dãy chòi bẩn thỉu dơ dáy và những con người khốn khổ; rồi lại vượt qua thị trấn kiểu châu Âu sạch sẽ, những biệt thự gạch đỏ ngay ngắn được trang trí bằng những hàng dừa tán rộng cao ngất, và mặc dù lúc đó mới là sáng sớm, những người đánh xe ngựa ăn mặc lịch sự và những gia nhân mặt mũi sáng sủa đã qua lại tấp nập.


Xe ngựa chở họ dừng lại trước một ngôi nhà khá khiêm tốn, không có vẻ gì là biệt thự tư nhân. Viên cảnh sát yêu cầu “tù phạm”, hay đại khái thế, xuống xe, và dẫn họ vào một căn phòng với cửa sổ có chấn song, nói: “Các người sẽ trình diện trước thẩm phán Obadiah lúc tám rưỡi.”


Rồi hắn rờì phòng.


“Tại sao, chúng ta bị đối xử như phạm nhân!” Passepartout thốt lên, ngã vật lên ghế.


Aouda cố kìm nén nỗi xúc động trong lòng và nói với ngài Fogg: “Thưa ngài, ngài phải mặc tôi cho số phận! Vì tôi mà ngài bị đối xử như thế này, vì ngài đã cứu sống tôi!”


Phileas Fogg nhấn mạnh rằng chuyện đó là không thể được. Bị bắt vì ngăn chặn một lễ xu-ti là một điều hoang đường. Lũ nguyên cáo sẽ không đời nào dám chường mặt ra để cáo buộc họ trên toà án vì lý do này. Hẳn là có nhầm lẫn gì đó. Nhưng trên hết, ngài sẽ không bỏ rơi Aouda trong bất kì trường hợp nào, và sẽ hộ tống nàng đến Hồng Kông an toàn.


“Nhưng tàu thuỷ sẽ rời đi trưa nay!” Passepartout lo lắng quan sát.


“Chúng ta sẽ có mặt trên tàu vào buổi trưa,” ông chủ của anh điềm tĩnh đáp.


Điều đó được nói ra một cách tích cực đến nỗi Passepartout tự kỉ ám thị bản than rằng, “Hiển nhiên là vậy rồi! Chúng ta sẽ lên tàu trước trưa.” Tất nhiên anh không dám cam đoan là vậy.


Tám giờ rưỡi cửa bật mở, viên cảnh sát xuất hiện, yêu cầu họ đi theo hắn vào một đại sảnh lớn. Không cần nói cũng biết đó là phòng xử án, và một đám đông người châu Âu lẫn người bản địa đang nhốn nháo ngoài cửa.


Ngài Fogg và hai người ngồi vào một chiếc ghế dài đối diện bàn của ngài thẩm phán và thư kí của ngài. Ngay lập tức, Thẩm Phán Obadiah, một người đàn ông béo tròn và một thư kí bước vào. Ông ta vội vã vớ lấy bộ tóc giả được treo sẵn trên một chiếc đinh móc và chụp lên đầu.


“Vụ đầu tiên,” ông ta nói. Đột nhiên ông ta sờ sờ đầu và tuyên bố. “Hey! Đây không phải bộ tóc của tôi!”


“Không, thưa quý ngài đáng tôn kính,” tay thư kí đáp, “nó là của tôi.”


“Ngài Oysterpuff thân mến của tôi, một thẩm phán làm sao có thể xét xử khôn ngoan khi đội bộ tóc giả của một thư kí?”


Họ đổi tóc giả.


Passepartout bắt đầu cảm thấy lo lắng vì các kim của chiếc đồng hồ lớn treo ngất ngưởng trên đầu ngài thẩm phán có vẻ chạy nhanh quá đáng.


“Vụ đầu tiên,” thẩm phán Obadiah nhắc lại.


“Phileas Fogg?” Oysterpuff yêu cầu.


“Tôi đây.” Ngài Fogg đáp.


“Passepartout?”


“Có mặt.” Passepartout phản ứng.


“Tốt,” ngài thẩm phán nói. “Hai người phạm nhân các anh đã bị lùng sục suốt hai ngày nay trên các chuyến tàu đến từ Bombay.”


“Nhưng chúng tôi phạm tội gì chứ?” Passepartout mất kiên nhẫn hỏi.


“Thì các anh chuẩn bị biết đây.”


“Tôi là một công dân Anh quốc, thưa ngài,” ngài Fogg nói, “và tôi có quyền…”


“Ngài bị đối xử bất công?”


“Không hề.”


“Tốt lắm; hãy để các nguyên cáo vào.”


Cánh cửa bật mở theo lệnh của ngài thẩm phán, và ba tu sĩ người Ấn xuất hiện.


“Vậy đó,” Passepartout lầm bầm; “đó là lũ tắc kè muốn thiêu sống cô gái của chúng ta.”


Đám tu sĩ tụ lại trước bàn thẩm phán, rồi viên thư kí bắt đầu cao giọng đọc đơn khiếu nại Phileas Fogg và gia nhân của ngài, người bị kết tội đã xúc phạm một thánh địa thiêng trong tín ngưỡng Bà La Môn.


“Các ông nghe lời cáo buộc rồi chứ?” Thẩm phán hỏi.


“Vâng, thưa ngài,” ngài Fogg đáp, mắt ngó đồng hồ, “và tôi thừa nhận nó.”


“Ngài nhận tội?”


“Tôi nhận tội, và đổi lại tôi muốn nghe sự thừa nhận của những tu sĩ này về việc họ định làm ở đền Pillaji.”


Đám tu sĩ nhìn nhau lúng túng; có vẻ như họ không hiểu ngài Fogg đã nói gì.


“Đúng thế,” Passepartout dở mếu, “họ mém nữa thì thiêu sống nạn nhân của họ ở đền Pillaji.”


Lão thẩm phán trợn mắt kinh ngạc, còn mặt mấy tay tu sĩ chuyển sang kinh hoàng.


“Nạn nhân nào?” Thẩm phán Obadiah hỏi. “Thiêu ai? Ở chính Bombay?”


“Bombay?” Passepartout mếu.


“Tất nhiên rồi. Chúng ta không nói đến đề n Pillaji, mà là am tự trên đồi Malabar ở Bombay.”


“Và bằng chứng là,” tay thư kí them vào, “đây là đôi giày bị bỏ lại của bị cáo.”


Và ông ta đặt một đôi giày lên bàn tốc ký.


“Giày của tôi!” Passepartout kêu lên; anh chàng ngốc nghếch ngạc nhiên quá đỗi mà thốt lên vô ý thức.


Chà, sự bối rối của ông chủ và gia nhân – hai người đã quên tiệt sự kiện ở Bombay vì giờ họ đang ở Calcutta – khá dễ để tưởng tượng.


Viên thám tử Fix đã dự đoán được lợi thế của sự việc mà Passepartout gây ra, và đã hoãn cuộc truy đuổi lại sau mười hai tiếng để tư vấn cho đám tu sĩ của am tự ở Malabar Hill. Anh ta hiểu rõ hiến pháp Anh quốc rất chú trọng vào mấy tội lỗi tôn giá kiểu này, nên đã hứa với mấy tu sĩ một món bồi thường tổn thất xứng đáng và đẩy họ đến Calcutta ngay chuyến tàu tiếp theo. Nhưng do sự chậm trễ vì phải giải cứu nàng goá phụ trẻ, ngài Fogg và gia nhân đã đến thủ phủ Ấn Độ sau Fix và các tu sĩ; quan toà đã nhận được công văn thông báo phải thộp cổ họ ngay khi họ đến nơi. Fix đã rất thất vọng khi phát hiện ra rằng Phileas Fogg có thể sẽ không xuất hiện ở Calcutta như tính toán. Anh ta chỉnh đốn lại đầu óc và nghĩ rằng kẻ trộm hẳn đã dừng lại ở đâu đó trên đường để chạy trốn từ khu vực phía Bắc. Trong suốt hai mươi tư giờ Fix quan sát ga tàu với con lo lắng nóng nảy; cuối cùng anh ta cũng thở phào khi thấy ngài Fogg và Passepartout xuống ga, dẫn theo một người phụ nữ trẻ xinh đẹp mà anh ta sẽ bất chấp mọ điều để tìm hiểu. Anh ta gấp rút thúc giục viên cảnh sát đến lôi họ đến trước Thẩm ohans Obadiah.


Nếu Passepartout chỉ bình tĩnh lại một chút thôi, anh đã có thể liếc thấy tay thám thử thu mình trong góc phòng xử án, quan sát diễn biến phiên toà với một thái độ hứng thú dễ hiểu; lệnh bắt đã đến được Calcutta, cũng như Bombay và Suez.


Không may thay thẩm phán Obadiah đã nắm bắt được tiếng kêu bất cẩn của Passepartout, tiếng thốt mà cậu chàng sẵn sàng đánh đổi tất cả để rút lại.


“Vậy là bị cáo nhận tội?” Thẩm phán hỏi.


“Nhận tội.” Ngài Fogg lạnh lùng đáp.


“Xét rằng,” ngài thẩm phán tiếp tục, “luật pháp Anh quốc bảo vệ tính bình đẳng và thiêng liêng trong các tôn giáo của người Ấn Độ, và người đàn ông Passepartout này đã thừa nhận tội danh xúc phạm sự thiêng liêng của am tự ở Malabar Hill, Bombay, vào ngày 20 tháng mười, tôi kết án Passepartout mười lăm ngày giam và phạt ba trăm bảng.”


“Ba trăm bảng!” Passepartout mếu máo và đơ toàn tập trước món tiền khổng lồ.


“Im lặng!” Viên lục sự quát.


“Và xét rằng,” ngài thẩm phán tiếp tục, “mặc dù không có chứng cứ chứng minh rằng chủ nhân của anh ta cũng tham gia vào vụ việc, nhưng với vai trò chủ nhân thì ngài phải chịu trách nhiệm về hành động của gia nhân dưới mọi trường hợp, tôi kết án Phileas Fogg một tuần giam và một trăm năm mươi bảng tiền phạt.”


Fix xoa hai tay hài long; nếu Phileas Fogg bị giữ chân lại ở Calcutta trong một tuần, thì sẽ có thừa thời gian cho lệnh bắt đến đến nơi. Passepartout bàng hoàng. Phán quyết này huỷ hoại ông chủ của anh hoàn toàn. Ngài sẽ thua vụ các cược trị giá hai mươi ngàn bảng, chỉ vì một gã gia nhân ngu dốt đã mò tới cái am tự đáng nguyền rủa kia!


Phileas Fogg, vẫn giữ nguyên cái vẻ điềm nhiên như thể tuyên án của thẩm phán không liên quan gì đến ngài, thậm chí ngài còn không thèm nhướn mày. Ngay lức viên thư kí chuẩn bị gọi vụ án kế tiếp, ngài đứng dậy và nói, “Tôi yêu cầu trả tiền bảo lãnh.”


“Ngài có quyền đó.” Ngài thẩm phán đáp.


Các mạch máu của Fix lạnh đi, nhưng sự bình tĩnh trở lại khi anh ta nghe ngài thẩm phán thông báo món tiền bảo lãnh mỗi phạm nhân là một ngàn bảng.


“Tôi sẽ trả ngay lập tức.” Ngài Fogg nói, lôi ra một cuộn giấy bạc trong chiếc túi xách mà Passepartout luôn ôm bên người và đặt lên bàn của tay thư kí.


“Khoản tiền này sẽ được hoàn trả vào ngày hết án giam dự kiến.” Ngài thẩm phán nói. “Trong thời gian đó, ngài được đảm bảo tại ngoại.”


“Đi thôi!” Phileas Fogg nói với gia nhân.


“Nhưng ít nhất họ cũng phải trả giày lại cho tôi chứ!” Passepartout giận giữ thốt.


“Ôi chao, đôi giày đẹp đẽ của mình!” anh lẩm bẩm khi họ trao trả nó cho anh. “Mỗi chiếc tốn hơn một ngàn bảng; hơn hết là, chúng ôm khít chân mình.”


Ngài Fogg, nâng tay đề nghị dìu Aouda, bình tĩnh ra khỏi phòng xử án, theo sau là anh gia nhân thảm hại Passepartout. Fix vẫn còn đang hoang tưởng rằng tên trộm sẽ không ném lại hai ngàn bảng sau lưng và quyết định ngồi tù một tuần, đủ thời gian để anh chàng lo liệu giấy tờ bắt giữ. Nhưng không, quý ông hào hoa phong nhã đó gọi một chiếc xe ngựa, và chẳng mấy chốc nhóm người có mặt tại cầu cảng.


Các thuỷ thủ đã thả neo tàu cách bến cảng nửa dặm, và tín hiệu xuất phát treo ở cột buồm. Đồng hồ điểm mười một tiếng; ngài Fogg vẫn còn thừa những một tiếng. Fix thấy họ rời xe ngựa và nhanh chóng lên tàu; anh chàng dậm chân bình bịch biểu lộ sự thất vọng cay đắng.


“Thế là thằng vô lại đó vẫn thoát được!” Anh chàng nghiến răng nghiến lợi. “Hi sinh tới hai ngàn bảng chứ đùa! Hoang phí như một tên cướp! Ta sẽ bám theo hắn đến chân trời cuối bể nếu cần thiết; nhưng cứ theo cái đà này thì món tiền trộm được sẽ đi tong sớm mất thôi.”



Anh thám tử đã phỏng đoán khá đúng điều này. Từ lúc rời London, với mớ chi phí của chuyến đi, mấy món hối lộ, tiền mua con voi, tiền bảo lãnh và tiền phạt, ngài Fogg đã tiêu đến hơn năm ngàn bảng trên đường; cùng với nó là món tiền thưởng - tiền phần trăm trích ra từ số tiền lấy lại được từ kẻ trộm nhà băng – dành cho các thám tử, đang nhanh chóng hụt giảm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét