Chương 18: Fix và Passepartout
Càng về cuối cuộc hành trình thời tiết càng tệ hơn. Gió
ngoan cố cuộn từ hướng Tây Bắc, ào ào dội vào tàu thuỷ ngăn trở sự vận thành của
con tàu. Chiếc Rangoon rung lắc dữ dội và hành khách trở nên mất kiên nhẫn trước
những đợt sóng dài khổng lồ dậy lên từ gió. Một cơn bão nổi lên vào ngày 3
tháng mười, những đợt lốc cuốn điên cuồng đập vào thành tàu, những con sóng nổi
cao ầm ì liên tục. Họ đã cuộn hết các cánh buồm lớn của Rangoon; nội thất trên
tàu đảo lộn tùng phèo. Chiếc tàu buộc phải hạ tốc độ, và thuyền trưởng ước tính
rằng họ sẽ đến Hồng Kông trễ tới hai mươi tiếng, thậm chí còn hơn nữa nếu cơn
bão kéo dài.
Phileas Fogg nhìn chằm chằm vào cơn bão biển đang vật lộn mọi
cách để cản trở ông với thái độ trầm tĩnh thường lệ. Ngài không bao giờ thay đổi
sắc mặt dù chỉ một khắc, mặc dù sự trì hoãn này sẽ khiến ngài hoàn toàn lỡ tàu
đến Yokohama, từ đó thua cược là điều không thể tránh khỏi. Nhưng người đàn ông
sinh ra thiếu mất vài sợi dây thần kinh biểu hiện đó thậm chí còn không nhíu
mày khó chịu lấy một cái; cứ như kiểu ông đã tính trước về cơn bão trong nhật
trình của mình rồi. Aouda rất ngỡ ngàng khi thấy ngài Fogg vẫn bình tĩnh y như
lần đầu tiên nàng mục kiến ngài.
Fix không nhìn mọi chuyện như cách người khác nhìn. Cơn bão
khiến anh ta hài lòng khôn tả. Sự thoả mãn sẽ còn trọn vẹn hơn nếu chiếc
Rangoon phải miễn cưỡng đầu hang trước cơn cuồng nộ của gió và sóng. Mỗi lần
trì hoãn là mỗi lần hi vọng trong Fix được bơm chút ánh sáng, và việc Fogg phải
nán lại vài ngày ở Hồng Kông ngày càng chắc chắn hơn; giờ thì ngay cả thần
thánh cũng trở thành đồng minh của anh chàng bằng cách giáng xuống những cơn giật
biển đùng đùng – ngay cả khi cách ủng hộ này có thể khiến người ta vật vã. Ừ
thì mặc dù cơ thể anh chàng quằn quại dưới tác động của chúng, nhưng tinh thần
lại chọn lờ đi những cơn khốn khổ bằng niềm hân hoan tràn đầy hi vọng.
Passepartout nổi giận đùng đùng vì bão tố. Mọi thứ đã rất tốt
đẹp cho đến lúc này! Cả đất mẹ và biển cả dường như đã phục tùng ông chủ; các
tàu thuyền và tàu hoả vốn nghe lời ngài răm rắp; gió và tàu đã từng hợp tác để
đẩy nhanh tốc độ du hành. Chẳng lẽ vận may đã tàn và giờ là thời của vận rủi?
Passepartout bị kích thích mãnh liệt như thế chàng ta phải chi hai mươi ngàn bảng
từ chính túi mình vậy. Cơn bão chọc anh giận lôi đình, gió máy khiến máu anh
sôi sùng sục, và quả thực anh chàng chẳng mong gì hơn việc có thể quất tả tơi
biển cả để đặt nó vào kỉ cương. Tội nghiệp anh bạn đáng mến! Fix cẩn thận che
giấu sự thoả mãn, vì nhỡ anh ta mà để lộ nó ra thì chắc Passepartout sẽ không
kiềm chế được bản thân mà lao vào ẩu đả mất.
Trong suốt thời gian xảy ra cơn bão, Passepartout vẫn quanh
quẩn trên boong tàu, không thể chịu nổi cảnh ngồi không và trực tiếp nhúng tay
hỗ trợ đoàn thuỷ thủ. Anh khiến ngài thuyền trưởng, các vị sĩ quan, và thuỷ
đoàn phải lắc đầu cười dở trước sự sốt ruột của mình với đủ mọi loại câu hỏi.
Anh chàng muốn biết cơn bão kéo dài chính
xác bao lâu; và họ chỉ có mỗi cách đưa cho anh coi cái phong vũ biểu không
có chút dấu hiệu gì là sẽ thay đổi. Passepartout lắc nó, nhưng chẳng tác dụng
quái gì cả; mà vừa lắc vừa nguyền rủa nó thì lại càng không.
Tuy nhiên vào ngày mồng 4 biển trở nên ôn hoà hơn đôi chút,
và cơn bão cũng bớt dữ dội; gió đổi chiều thổi từ hướng Nam, và con tàu hoạt động
thuận lợi hơn. Cơn tức tối của Passepartout cũng nguôi lại. Một số cánh buồm đã
được giăng lại và tốc độ của Rangoon được khôi phục như ban đầu. Nhưng đáng tiếc
thay số thời gian đã mất không thể lấy lại được. Đến tận sáng ngày mồng 6 dấu
hiệu của đất liền mới hiện ra; mà đáng lẽ chiếc tàu phải cập bến từ ngày mồng 5
kia. Phileas Fogg bị trễ tới tận 24 giờ đồng hồ, và tất nhiên là đã lỡ mất tàu
đến Yokohama.
Sáu giờ sáng hoa tiêu lên boon để hướng dẫn Rangoon đi qua
những mạch cản vào bờ cảng Hồng Kông. Passepartout khao khát muốn hỏi ông ta
xem liệu tàu đi Yokohama đã rời bến chưa nhưng lại không dám, vì anh chàng muốn
níu giữ một mẩu hi vọng đến tận phút chót. Anh bày tỏ nỗi lo ngại của mình cho
Fix láu-cá, người giả đò khuyên giải anh rằng ngài Fogg sẽ kịp giờ nếu bắt ngay
thuyền tiếp theo; tất nhiên Passepartout chỉ càng bồn chồn thêm.
Ngài Fogg, cứng rắn hơn gia nhân của mình, không hề do dự tiếp
cận viên hoa tiêu và điềm tĩnh hỏi ông ta có biết khi nào có tàu thuỷ rời Hồng
Kông đến Yokohâm không.
“Vào thuỷ triều sang mai.” Viên hoa tiêu trả lời.
“À.” Ngài Fogg nói, không hề biểu lộ ngạc nhiên.
Passepartout đã dỏng tai nghe được câu trả lời khả dĩ và sẵn
sàng lao đến ôm hôn viên hoa tiêu, trong khi Fix chỉ muốn lao đến vặn cổ ông
ta.
“Tên của con tàu là gì?” Ngài Fogg hỏi.
“Chiếc Carnatic.”
“Nó không phải là đã rời đi ngày hôm qua?”
“Lẽ ra là vậy, thưa ngài; nhưng họ phải sửa lại một trong những
chiếc nồi súp de của nó, nên sự khởi hành được hoãn lại sang ngày mai.”
“Cảm ơn ngài.” Ngài Fogg nói và máy móc tiến về quán rượu cảng.
Passepartout siết lấy tay viên hoa tiêu mà lắc trong vui sướng
và thốt lên, “Hoa tiêu, ông là tay được lắm!”
Viên hoa tiêu hiển nhiên là chẳng hiểu vì lẽ gì mình được
chào đón nhiệt tình đến vậy. Ông ta đi ngược lại cầu và tiếp tục hướng dẫn tàu
thuỷ lách qua từng đám rác rưởi, thuyền máy và thuyền câu chen chúc trong cảng
Hồng Kông.
Một giờ đúng Rangoon thả neo ở cầu cảng và hành khách lục tục
xuống bờ.
Vận may ưu ái Phileas Fogg một cách kì dị, vì nhỡ đâu nếu
chiếc Carnatic không buộc phải nằm lại để sửa chữa chiếc nồi súp de thì nó đã
phải ra khơi vào ngày mồng sáu tháng mười một, tức là hành khách muốn đến Nhật
Bản mà trễ tàu thì buộc phải đợi thêm tận một tuần nữa mới có chuyến tiếp theo.
Đúng là ngài Fogg đã trễ hai mươi tư giờ so với nhật trình; nhưng điều này
không hẳn là mối đe doạ nghiêm trọng đến phần còn lại của chuyến đi.
Chiếc tàu vượt Thái Bình Dương từ Yokohama đến San Francisco
liên kết chặt chẽ với chiếc đi từ Hồng Kông, và chừng nào Carnatic chưa đến nơi
thì nó sẽ còn chờ đợi; và dù ngài Fogg trễ hai mươi tư tiếng để đến Yokohama thì
lần này, không nghi ngờ gì, sẽ dễ dàng gỡ gạc lại trong hành trình hai mươi hai
ngài băng qua Thái Bình Dương. Lúc này là ngày thứ ba mươi lăm sau khi rời
London, và ngài Fogg mới chỉ trễ hai mươi tư tiếng.
Chiếc Carnatic được thông báo là sẽ rời Hồng Kông lúc năm giờ
sang ngày tiếp đó. Ngài Fogg có mười sáu tiếng để lo liệu mọi công việc ở đất
này, và việc quan trọng nhất là đưa Aouda đến gia đình họ hàng giàu có kia an
toàn.
Khi đổ bộ, ngài đỡ nàng về phía kiệu đi về khách sạn Câu Lạc
Bộ. Người phụ nữ trẻ được đưa về phòng nghỉ ngơi trước, và ngài Fogg, sau khi
xác nhận rằng nàng không còn yêu cầu gì cả, liền quay bước ra ngoài để đi tìm
anh họ Jeejeeh của nàng. Ngài lệnh cho Passepartout đợi ở khách sạn cho đến khi
ngài quay trở lại để đảm bảo Aouda không cảm thấy trơ trọi.
Vừa bước chân ra ngoài ngài Fogg bắt xe đến thẳng sở Giao Dịch
Chứng Khoán, nơi mà, không cần phải nghi ngờ gì, ai cũng phải biết đến một nhân
vật tiếng tăm và giàu có như một thương nhân Parsee. Đáng tiếc thay sau khi dò
xét tin tức từ người môi giới, ngài biết được rằng Jeejeeh đã rời Trung Quốc
hai năm trước, và giải nghệ khỏi thương trường cùng với một khối tàn sản khổng
lồ, rồi sang định cư ở Châu Âu – người môi giới nghĩ là Hà Lan, nơi đa số những
bạn hàng chính yếu của ông đang sinh sống. Phileas Fogg quay lại khách sạn để
báo tin cho Aouda rằng Jeejeeh không còn ở Hồng Kông nữa, nhưng có cơ may cao
là ở Hà Lan.
Lúc đầu Aouda lặng thinh không nói gì cả. Nàng gác tay lên đầu
và suy nghĩ một lúc. Rồi bằng một giọng ngọt ngào và nhẹ nhàng, nàng nói: “Tôi
nên làm sao đây, ngài Foog?”
“Rất đơn giản,” quý ông lịch thiệp trả lời. “Đến Châu Âu.”
“Nhưng tôi không thể trở thành phiền toái…”
“Bà không phiền toái hay ảnh hưởng chút gì đến dự án của
tôi. Passepartout!”
“Monsieur.”
“Đến tàu Carnatic, đặt ba cabin.”
Passepartout vui vẻ vì quý cô trẻ xinh đẹp luôn tử tế với
anh sẽ tiếp tục chuyến đi cùng họ, và nhanh nhẹn chạy đi lo liệu mệnh lệnh của
chủ nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét