Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

[80 ngày vòng quanh thế giới] Chương 22

Chương 22: Tiền là tiên là phật


Chiếc Carnatic ra khơi từ cảng Hồng Kông vào lúc sáu rưỡi ngày mồng bảy tháng mười một và dùng hết tốc lực thẳng tiến đến Nhật Bản. Nó chất theo một lượng lớn hàng hoá và những cabin chật cứng hành khách. Tuy nhiên hai buồng thượng hạng ở phía đuôi tàu lại trống – chúng là phòng đặt trước của Phileas Fogg.


Ngày tiếp theo, một hành khách với đôi mắt hốt hoảng, mái tóc rối bù và tướng đi loạng choạng xuất hiện từ phía khoang hạng hai và ngồi đừ một chỗ trên boong tàu.


Đó chính là Passepartout; và chuyện xảy ra với anh chàng diễn ra như sau: không lâu sau khi Fix lừa anh hút á phiện, hai gã bồi đã khênh Passepartout bất tỉnh nhân sự lên chiếc trường kỉ dài chuẩn bị sẵn cho những tay phê thuốc. Ba tiếng tiếp đó, bị ám ảnh bởi thứ lý tưởng kiên định, anh chàng đáng thương tỉnh dậy, và ráng sức đấu tranh với cơn ảnh hưởng nặng nề của chất nghiện. Ý thức về bổn phận chưa hoàn thành khiến anh chàng mê muội, và hấp tấp thoát khỏi cái tổ say sưa đó. Passepartout khốn khổ loạng quạng bấu víu vào vỉa tường để giữ mình khỏi ngã dúi dụi, anh lết cái thân xác xây xước do vấp té, vừa đi vừa nức nở kêu gào theo bản năng: “Tàu Carnatic! Tàu Carnatic!”


Chiếc tàu thuỷ nằm ườn trên cầu cảng, đang chuẩn bị xuất phát. Passepartout chỉ cách nó vài bước ngắn; rồi, thu hết sức mình bò lên cầu ván, vượt qua nó, và ngã rụp xuống boong tàu và bất tỉnh, đúng ngay lúc chiếc Carnatic vận hành ra khơi. Vài cậu thuỷ thủ vốn quen với những cảnh tượng tương tự, đã đỡ cậu người Pháp tội nghiệp xuống khoang hạng hai, và Passepartou không tỉnh dậy nổi cho đến khi tàu đã cách Trung Quốc một trăm năm mươi hải lý. Thế là sáng tiếp đó anh thấy mình thẫn thờ trên boong tàu Carnatic, tham lam hít thở không khí nhuộm mùi muối của biển cả. Không khí trong lành khiến anh tỉnh táo hơn đôi chút. Anh bắt đầu sắp xếp lại đầu óc – một việc khá khó khăn; nhưng cuối cùng anh cũng nhớ mang máng lại được những sự kiện chiều tối hôm trước - những điều Fix tiết lộ, và căn nhà á phiện.


“Đã rõ là,” anh tự nói với bản thân, “mình đã say quên cả trời đất! Ngài Fogg sẽ nói gì? Nhưng điều quan trọng nhất là mình đã không lỡ tàu. Ít ra là vậy.”


Rồi, anh chợt nhớ đến Fix: “Còn với tên đểu giả đó, mình mong rằng chúng mình sẽ tống táng được hắn đi, vì như hắn đã tự nhận, hắn không dám bám đuôi chúng mình lên tận Carnatic. Một thám tử truy đuổi ngài Fogg, buộc tội ngài đã trộm cướp ngân hàng Anh Quốc! Hừ! Ngài Fogg mà là một tên trộm thì mình phải là một tên sát nhân!”


Anh có nên tiết lộ nhiệm vụ thực sự của Fix với ông chủ? Phanh phui vai trò thám tử của hắn ta sẽ hiệu quả chứ? Hay sẽ tốt hơn nếu đợi ngài Fogg trở về lại London rồi hẵng thuật lại câu chuyện về tay đặc vụ cảnh sát vẫn luôn lẽo đẽo bám theo ngài vòng quanh thế giới, và cùng cười về chuyện đó? Không nghi ngờ gì; ít nhất thì điều đó cũng đáng được suy xét. Điều đầu tiên phải làm là đi tìm ngài Fogg và nhận lỗi vì hành vi phóng túng của anh cái đã.


Passepartout đứng dậy và và lần mò xuống đuôi tàu. Nhưng anh không bắt gặp bất kì ai gợi đến chủ nhân hay Aouda cả. “Phải!” Anh lầm bầm; “Aouda chưa dậy, và ngài Fogg chắc đã tìm thấy vài đối tác chơi bài whist rồi.”


Anh tìm đến hai buồng hạng nhất. Ngài Fogg không có ở đó. Cuối cùng Passepartout còn mỗi cách hỏi thăm viên quản lý số phòng của ông chủ. Viên quản lý trả lời rằng ông ta không biết một hành khách nào sở hữu cái tên Fogg.


“Tôi vô cùng xin lỗi,” Passepartout cố chấp. “Nhưng đó là một quý ông cao ráo, điềm tĩnh, kiệm lời, và đi cùng một quý cô trẻ…”


“Không có quý cô nào trẻ trên tàu cả,” viên quản lý ngắt lời anh. “Đây là danh sách hành khách; ngài có thể tự kiểm tra.”


Passepartout nghiên cứu danh sách kĩ càng, nhưng không có tên của ông chủ anh. Anh giật thót mình.


“A! Tôi đúng là đang trên tàu Carnatic chưa?”


“Đúng vậy.”


“Trên đường đến Yokohama?”


“Chắc chắn.”


Passepartout vừa lo mình đã lên nhầm tàu; nhưng giờ vấn đề là anh đang ở trên Carnatic thật nhưng ông chủ thì lại không.


Anh rơi cái phịch xuống ghế. Anh đã hiểu ra rồi. Anh nhớ rằng giờ ra khơi đã bị thay đổi, và lẽ ra anh đã phải báo với ông chủ chuyện đó, và anh đã không làm được thế. Đó là lỗi của anh đã khiến ông chủ và Aouda lỡ tàu. Đúng vậy, nhưng lỗi lớn hơn thuộc về tên phản bội kia, chỉ vì để tách anh khỏi chủ nhân và kiềm chân ngài lại Hồng Kông nên đã chuốc anh say mèm! Anh đã nhìn ra thủ đoạn của tay thám tử giáo trá; và thời khắc này ngài Fogg đã hoàn toàn bị huỷ hoại, vụ cá cược đã ngã ngũ, và biết đâu ngài đã bị còng tay tống tù rồi! Nghĩ đến đoạn này Passepartout vờ đầu bứt tóc. A, nếu Fix là lớ ngớ lọt vào tầm mắt của anh một lần nữa, anh sẽ xử lý chuyện này cho ra trò!


Sau một hồi vật vã, Passepartout bình tĩnh hơn đôi chút và nghĩ ngợi về trạng huống của mình. Tình trạng hiện tại chắc chắn là chẳng vui vẻ gì. Anh đang trên đường đến Nhật Bản, rồi anh sẽ làm cái quỷ gì ở đó? Hai túi rỗng không, chẳng có nổi một xu cắc nào. Nhưng may ra thì chiếc vé tàu hiện tại là vé trả trước, tức là anh có tầm năm hoặc sáu ngày để quyết định hướng đi sắp tới. Anh lao vào ăn một bữa ngốn ngấu, ăn thay cả phần ngài Fogg, Aouda và cho chính anh. Anh ăn như thể Nhật Bản là hoang mạc không có gì đáng ăn để chờ đợi nữa.


Bình minh ngày mười ba lúc thuỷ triều lên chiếc Carnatic nhập cảng Yokohama. Đây là một bến cảng quan trọng của Thái Bình Dương, nơi tất cả những tàu thuyền lớn nhỏ vận chuyển hành khách giữa Bắc Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và những đảo quốc lẻ tẻ ở châu Á đều cập vào. Nó nằm trên vịnh Yeddo, cách không xa thủ phủ thứ hai của Đế Quốc Nhật Bản, là nơi Hoàng Đế Tycoon từng ngự trị trước khi Hoàng Đế Tinh Thần Mikado chiếm lĩnh. Chiếc Carnatic thả neo ở con đê chắn sóng giữa một đám tàu bè đến từ đủ mọi quốc gia gần trạm kiểm soát.


Passepartout lững lững rờ từng bước trên bãi cảng trong sự tò mò về lãnh địa của con cháu Thái Dương Thần Nữ (Amaterasu). Anh chẳng biết làm việc gì hơn ngoài lang thang vô mục đích khắp các phố phường của Yokohama. Đầu tiên anh lạc vào quảng trường đặc Âu với những ngôi nhà có mặt tiền thấp được trang trí bằng những hành lang ngắn, và anh còn thoáng thấy những dãy cột gọn gàng đẹp mắt. Phần này thành phố đông đúc với những đoạn phố cắt nhau, những quảng trường, cầu cảng, kho chứa hàng hoá, tất cả những khoảng trống của “mũi đất thừa trong Hiệp Ước” và con song. Nơi đây, cũng như Hồng Kông và Calcutta, chen chúc những dân tộc dòng máu khác nhau, từ Mỹ đến Anh, từ Tàu đến Hà Lan, đa phần các thương nhân đều sẵn sàng lăn xả buôn bán cò kè bất cứ thứ gì có thể gán giá. Anh chàng người Pháp cảm thấy lạc lõng giữa đám đông như thể anh rơi tọt xuống giữa bộ lạc nguyên thuỷ Hottentots.


Ít nhất anh cũng nghĩ đến cách liên lạc với đại sứ quán Anh và đại sứ quán Pháp để xin nhờ trợ giúp. Nhưng anh co rúm lại khi nghĩ về việc kể lại chuyến phiêu lưu của anh, từ đó liên quan mật thiết đến vấn đề của ông chủ; và, trước khi làm vậy, anh quyết định cứ liều mình đến bước đường cùng trên cái đất này cái đã. Nếu các cơ hội không ưu ái anh ở khu vực tập trung người Âu, thì anh sẽ lần mò sang khu vực cư trú của dân Nhật bản địa, và nếu cấp thiết, dấn mình vào cả Yeddo.


Khi vực Nhật bản ở Yokohama được gọi là Benten, đặt theo danh tự của nữ thần biển cả, và được rất nhiều đảo quanh quanh tôn thờ. Ở khu đó Passepartout đã chiêm ngưỡng những khu vườn linh sam quý hiếm và những ngôi nhà bằng gỗ tuyết tùng tuyệt đẹp, những cổng vòm thiêng liêng với lối xây dựng độc đáo, những đoạn cầu ẩn nửa mình trong những đám tre trúc và lau sậy, những ngôi đền lấp ló trong hàng ngàn những cây tuyết tùng san sát, những nơi ẩn cư tu tâm thanh tịnh được chăm chút bởi bàn tay của những nhà sư Phật Giáo và các môn đồ của Khổng Tử, và những khu phố vô tận nhộn nhịp trẻ con má hồng phơi phới như bước ra từ phim Nhật trên màn ảnh, và chúng chơi đùa giữa những chú chó xù chân ngắn cũn và những chú mèo lông vàng.


Các khu phố đầy ắp người. Các nhà sư đang tuần tiễu trong điệu nhạc ảm đạm từ trống tambourine; cảnh sát và các sĩ quan trạm kiểm soát đội mũ chóp nhọn nhuộm nhựa đỏ và đeo một cặp kiếm bên hông; quân sĩ vận quân phục bằng vải bông màu xanh dương và vạch kẻ trắng và đeo theo súng ngắn; cận vệ của Mikado mặc đồ bằng mụa và khoác ngoài hai lớp giáp; số lượng lớn quân nhân mọi phẩm cấp luôn rải rác khắp mọi nơi – dù là ở đất kính trọng họ như Nhật Bản hay ở xứ khinh thường họ như Trung Quốc. Passepartout cũng thấy những nhà sư khất thực, những người hành hương choàng áo khoác dài chấm đất, những người dân bình thường tóc đen, đầu to, chân tay gầy gò, tầm vóc thấp bé, và những màu da khác nhau từ đồng đỏ đế trắng tái, nhưng không hề có da vàng, như người Trung Quốc – giống người khác biệt hoàn toàn với dân Nhật. Anh không chìm vào tò mò soi xét những phương tiện vận chuyển – xe thùng, xe kéo, xe cút kít, hay cáng tết bằng tre nứa; hay là những người phụ nữ - anh nghĩ họ không thật sự xinh đẹp lắm – bước những bước ngắn bằng đôi bàn chân nhỏ xíu xỏ trong giày bao bố, dép xỏ ngón đan sợi, và guốc gỗ lọc cọc, với những đôi mắt lườm sắc, ngực phẳng lỳ, răng nhuộm đen theo trào lưu thời bấy giờ, mặc áo cổ chéo và thắt obi lụa, được buộc thắt thành một chiếc gối lớn trang trí đằng sau, giống như kiểu thời trang hiện đại được các quý cô người Paris ưa chuộng.


Passepartout lượn loanh quanh trong vài giờ đồng hồ giữa đám đông đa sắc tộc, nhìn vào cửa sổ của những cửa hàng sang trọng hoặc kì dị, những dinh cơ buôn đá quý mang phong cách cổ điển Nhật Bản, những nhà hàng bến cảng treo đầy biển ngữ quảng cáo, những phòng trà phục vụ những món đồ uống có mùi khó chịu trộn với saki, một loại rượu ủ được làm từ gạo lên men, và những phòng thuốc tiện nghi để thưởng thức một loại thuốc lá có sợi rất ngon, ít được biết đến ở Nhật Bản, và chắc chắn là không phải thuốc phiện. Anh cứ tiếp tục cất bước cho đến khi những những cánh đồng canh tác rộng mênh mông trải dài trước mắt. Ở đó, những đoá hoa trà đang khoe sắc, những tán hoa rực rỡ cuối mùa cố phô bày hết sắc hương trước khi lụi tàn, xung quanh là những bụi tre xanh, anh đào, mận, táo, vốn được trồng chỉ để trang trí chứ không để thu hoạch, và những con bù nhìn cười kì dị doạ đám chim sẻ hoang, bồ câu, quạ đen và những loại chim phàm ăn khác. Những con đại bàng vĩ đại rỉa cánh trên cành những hàng tuyết tùng đại thụ; những chú diệc trịnh trọng đậu một chân giữa những tán liễu rủ; khắp nơi bay những quạ, vịt trời, diều hâu, chim chóc, và vô số cò trắng - loài chim biểu tượng cho tài phú và trường thọ rất được người Nhật tôn thờ.


Khi thơ thẩn loang quanh, Passepartout phát hiện thấy vài túm hồng thảo giữa những đám bụi rậm.


“Tốt lắm!” anh nói; “Mình sẽ có bữa tối.”


Nhưng khi nhận thấy chúng chẳng có mùi hương gì cả, anh nghĩ.


“Vô dụng rồi.”


Anh bạn trung thực của chúng ta chắc chắn đã chú tâm hết mực vào bữa sáng trước khi rời tài Carnatic; nhưng, do đã lang thang hết cả ngày, nhu cầu cung cấp năng lượng trở nên gấp gáp một cách khó chịu. Anh quan sát thấy những quầy thịt không bày thịt cừu, dê, thậm chí là thịt lợn; và anh cũng biết được giết gia cầm là phạm tội, vì chúng được nuôi là để làm việc đồng áng, nên anh kết luận rằng Yokohama thịt không phổ thông ở Yokohama – hoặc cũng có thể không phải; và, trong trường hợp đó, anh có thể sẽ tìm mua được một ít thịt heo rừng hoặc hươu rừng, thịt chim đa đa, hoặc vài con chim cút, một ít cá, ăn với cơm gạo trắng – thứ thực phẩm chủ đạo của dân Nhật. Nhưng để giảm gánh nặng tinh thần, anh quyết định hoãn bữa ăn mà anh luốn khao khát đến sáng hôm sau. Đêm đến, Passepartout quay ngược lại khu vực người bản địa, rồi lang thang khắp các ngóc ngách bừng sáng dưới những dãy đèn lồng đa sắc, ngắm nhìn những vũ công với ngón nghề điêu luyện và mê hoặc, và những nhà chiêm tinh học đứng ngay giữa đường với chiếc kính viễn vọng của họ. Rồi anh lại đến bến cảng được chiếu sáng bằng đuốc tẩm nhựa thông của dân chài lưới đang đi câu đêm.


Cuối cùng phố phường cũng trở nên tĩnh lặng, và đội tuần tra – những sĩ quan vận sức lộng lẫy sống xa hoa trong những dãy phòng thượng hạng như những sứ giả cao cấp – đã giải tán hết các đám đông tụ tập. Cứ mỗi nhóm hội rời đi, Passepartout lại khúc khích cười: “Tốt tốt! Lại một toà đại sức Nhật khác mò đến châu Âu!”



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét