Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

[80 ngày vòng quanh thế giới] Chương 23

Chương 23: Passepartout mũi dài


Sáng tiếp đó Passepartout tội nghiệp, đói lả, phờ phạc như con ngựa già tự nhủ với bản thân rằng bất chấp chuyện gì đi chăng nữa thì cũng phải kiếm cái gì bỏ bụng cái đã, và rồi mọi chuyện sẽ đỡ hơn. Anh có thể, hẳn thế, bán chiếc đồng hồ; nhưng anh chàng thà chết đói trước ấy. Đã đến lúc giọng hát khoẻ khoắn, hay phải nói là du dương mà anh được thiên phú, phát huy tác dụng. Anh biết vài bài hát tiếng Pháp và tiếng Anh, và anh sẽ xoay sở dùng chúng để câu dân Nhật, cái dân tộc chắc hẳn yêu âm nhạc lắm, vì anh đã thấy họ cứ lắc lư mãi những chiếc chuông xắc, trống tay, và cồng chiêng bằng đồng, và họ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài tán thưởng một nhân tài đến từ Âu châu như anh.


Có thể mới sáng bảnh mắt ra thế này mà đã tổ chức hoà nhạc thì sớm quá, và những thính giả bị lôi dậy từ những giấc ngủ yên sẽ chẳng vui lòng chi ra vài đồng khắc hình vua Mikado chỉ để giải trí. Thế nên Passepartout quyết định sẽ đợi them vài tiếng nữa; và trong khi đi vẩn vơ ngắm cảnh, anh chợt nhận ra bản thân ăn vận có vẻ hơi quá tươm tất so với một nghệ sĩ lang thang. Ý tưởng đổi bộ đồ lịch sự lấy một mớ quần áo tông xuyệt tông hơn với hoàn cảnh hiện tại dính chặt lấy anh chàng; mới cả biết đâu khi đổi đồ anh còn dư thêm được dăm xu lẻ để tạm thời xoa dịu cơn đói cồn cào. Thế là anh quyết vậy và tìm cách thực thi nó.


Sauk hi lật tung mọi lật lách Passepartout mới phát hiện ra một cửa hiệu buôn đồ cũ của dân bản địa để đổi chác. Ông chủ hiệu khoái lễ phục châu Âu, nhờ đó Passepartout đổi được một chiếc áo choàng dài cũ kiểu Nhật, một chiếc khăn sọc vấn đầu đã sờn rách, túi lẻng xẻng thêm vài cắc bạc nghe rất vui tai.


“Tốt tốt!” Anh nghĩ. “Cứ xem như mình đang tham gia lễ hội Hoá Trang là được!”


Mối quan tâm đầu tiên của anh chàng sau khi “Nhật hoá” đó là tìm cách chui vào một phòng trà khiêm tốn, gọi nửa con chim và một ít cơm, để giải quyết bữa sáng kiêm bữa tối ăn sương uống khí hôm qua.


“Giờ thì,” anh nghĩ, sau khi ăn một bữa lang thôn hổ yết, “Mình không được chơi một chiêu hai lần. Bộ phục trang này sẽ chẳng đổi được cái gì sất. Mình phải tính cách cuốn gói khỏi đất nước Mặt Trời mọc này nhanh nhất có thể, vì mình thừa biết là sẽ chẳng có mấy kỉ niệm tốt đẹp ở đây đâu mà.”


Anh nghĩ đến việc tìm chuyến tàu khách chuẩn bị đến châu Mỹ gần nhất. Anh sẽ xin làm một chân trong bếp, hoặc làm bồi tàu, để thu xếp trang trải cho chuyến đi và ăn uống. Đến San Francisco rồi thì sẽ tính tiếp sau. Cái khó là làm sao chinh phục được bốn ngàn bảy trăm hải lý trên biển Thái Bình Dương ngăn giữa Nhật bản và Thế Giới Mới cái đã.


Passepartout là mẫu người nghĩ ra sao làm ngay vậy, nên anh lập tức hướng thẳng về phía các cầu cảng. Nhưng khi gần đến nơi, anh bắt đầu nhận thấy những điểm không ổn trong kế hoạch rất đỗi đơn giản của mình đang trở nên thiếu thực tế hơn. Họ yêu cầu những gì ở một đầu bếp hay một bồi tàu trên một tàu khách Mỹ quốc, và ăn mặc như anh thì ai dám nhận? Anh cũng đâu có giấy tờ gì để chứng minh thân phận?


Khi anh ngẫm ngợi lại kế hoạch của mình, mắt anh bắt gặp một tấm áp phích to đùng được một anh hề diễu khắp phố, ghi bằng tiếng Anh:


ĐOÀN XIẾC NHÀO LỘN NHẬT BẢN,
CHỦ SỞ HỮU, NGÀI WILLIAM BATULCAR ĐÁNG KÍNH
BUỔI BIỂU DIỄN CUỐI CÙNG TRƯỚC KHI KHỞI HÀNH ĐẾN HỢP CHỦNG QUỐC HOA KÌ CỦA NHỮNG NGƯỜI MŨI DÀI!
NHỮNG CHIẾC MŨI DÀI!
DƯỚI SỰ BẢO HỘ TRỰC TIẾP CỦA THẦN TENGU!
CHÚ Ý!


“Hợp chủng quốc!” Passepartout thốt lên. “Đúng thứ mình muốn rồi!”


Anh bám theo anh anh hề, và mau chóng xuất hiện tại một khu vực đặc chất Nhật khác. Đó là một quảng trường nhỏ, ở giữa dựng một lều bạt lớn được trang trí bằng những chùm cờ xanh đỏ, vải bạt màu sắc toán loạn rực rỡ và không có thứ tự. Một đoàn xiếc.


Đây chính là rạp xiếc của ngài William Batulcar Đáng Kính. Quý ông đó chính là giám đốc của đoàn nghệ sĩ múa xiếc, tung hứng, những chú hề, nhào lộn trên không, đu dây, và thể dục dụng cụ, người mà, theo như tấm áp phích, đang chuẩn bị cho buổi biểu diễn cuối cùng trước khi rời Đế Chế Mặt Trời đến Hợp Chủng Quốc.


Passepartout bước vào và hỏi tìm ngài Batulcar, và ông lập tức xuất hiện.


“Anh muốn gì?” Ông ta hỏi Passepartout. Anh cho rằng ông ta là dân Nhật bản địa.


“Ngài có cần một người giúp việc không, thưa ngài?” Passepartout hỏi.


“Một người giúp việc!” Batulcar thốt lên trong khi tay vẫn mân mê vuốt ve chùm râu muối tiêu dưới cằm. “Tôi đã có hai cậu chàng ngoan ngoãn và trung thành, không bao giờ rời bỏ tôi, và phục vụ tôi để có sức làm việc. Đây này!” Ông ta tiếp lời, chỉ cho Passepartout thấy hai cánh tay lực lưỡng, chằng chịt những đường gân lớn như những dây chủ của đàn vĩ cầm.


“Vậy là tôi vô dụng với ngài?”


“Thật vậy.”


“Quỷ quái thật! Tôi rất muốn được vượt Thái Bình Dương với ngài đây!”


“A ha!” Ngài Batulcar Đáng Kính nói. “Anh mà là người Nhật thì tôi đã là một con khỉ làm trò! Anh đang đóng vai ai thế, với kiểu ăn mặc thế này?”


“Tôi mặc thứ có thể mặc.”


“Đúng đúng. Anh là người Pháp nhỉ?”


“Đúng vậy; một người Paris chính cống.”


“Vậy hẳn là anh biết cách nhăn mặt làm trò đi?”


“Tại sao chứ,” Passepartout đáp trả, hơi bất mãn khi thấy người ta hỏi vậy khi biết quốc tịch của anh, “người Pháp chúng tôi biết nhăn mặt chứ, nhưng cũng chẳng hơn gì người Mỹ cả.”


“Thật vậy. Ờ, tôi không thể thuê anh làm người giúp việc, nhưng hề thì có thể đấy. Anh thấy đấy, anh bạn của tôi ạ, ở Pháp họ thích phô trương những anh hề nước ngoài, và nước ngoài thì lại khoái những anh hề Pháp.”


“Ồ!”


“Anh khá khoẻ đấy, hở?”


“Nhất là sau khi có một bữa ngon.”


“Anh biết hát chứ?”


“Hẳn rồi,” Passepartout đáp lại. Anh còn vừa mới định hát rong kiếm sống trên phố kìa.


“Nhưng anh có thể hát trong khi trồng cây chuối với con quay trên gan bàn chân trái, và giữ thăng bằng một thanh kiếm trên gan bàn chân phải không?”


“Ừ hửm! Thì tôi đoán vậy,” Passepartout trả lời, nhớ lại những bài tập luyện từ thuở thiếu thời.


“Ờ, thế là đủ.” William Batulcar Đáng Kính nói.


Hợp đồng được kí kết xong và ngay.


Cuối cùng Passepartout cũng tìm ra được việc gì đó để làm. Anh làm thuê cho một đoàn xiếc Nhật Bản. Không phải trong một vị trí đứng đắn cho lắm, nhưng ít ra anh sẽ được đến San Francisco trong không đầy một tuần nữa.


Buổi biểu diễn, như được ngài Batulcar thông cáo ầm ỹ, sẽ khởi màn lúc ba giờ chiều, và những nhạc cụ chói tai nhức óc của dàn nhạc Nhật Bản réo lên ở cửa ra vào. Passepartout, dù chưa kịp học hay diễn tập phần vai của mình, đã được chỉ định làm một chân đỡ trong “tháp người” Tengu mũi dài nhờ bờ vai chắc khoẻ. “Màn kết hoành tráng” này đã đóng lại buổi biểu diễn.


Trước ba giờ phần lớn lều đã kín những khán giả, gồm cả người châu Âu lẫn bản địa, người Tàu và người Nhật, đàn ông, đàn bà và trẻ con, những người hối hả nhồi than họ vào những bang ghế dài chật chội trong chiếc hộp gỗ đặt đối diện sân khấu. Những nhạc công ẩn mình bên trong, gồng mình đập cồng khua chiêng, lắc chuông xắc bằng đồng, thổi sáo, trống cơm, và trống mặt da.


Buổi biểu diễn đa phần là những màn nhào lộn; nhưng phải thừa nhận rằng người Nhật là những người đầu tiên đi trên dây trên thế giới.


Một người, với cây quạt và vài mẩu giấy báo, biểu diễn trò ảo thuật duyên dáng với những chú bướm và những bông hoa; một người khác lưu lại trên không những vòng khói cỏ thơm màu xanh tạo hình chữ thổi từ ống tẩu, và rất được khan giả tán thưởng; trong khi đó người thứ ba đang tung hứng những chiếc nến vẫn đang cháy sáng – chúng phụt tắt và được thắp lại tức thì khi lướt qua môi anh ta mà không hề ảnh hưởng đến nhịp điệu tung hứng. Một người nữa đang biểu diễn một bài kết hợp độc đáo với con quay trên đầu; mỗi bên tay đỡ một con quay vù vù như đang sống; chúng chạy trên thân kiếm mảnh, trên những chiếc ống trúc, trên dây cáp và ngay cả trên những sợi tóc chăng ngang sân khấu; rồi chúng quay ngược lại trên những mép kính lớn, chạy qua thang tre, mò vào từng góc của rạp, và tạo ra những hiệu ứng âm nhạc kì dị bằng cách kết hợp những tông điệu lệch nhau. Những người tung hứng tung chúng lên không trung, ném chúng như chiếc vợt gỗ đập vào trái cầu lông, thế mà chúng vẫn cứ quay vù vù.


Miêu tả buổi biểu diễn nhào lộn và tung hứng đáng kinh ngạc đó là vô ích. Những bước nhịp trên thang đứng, cột, bóng, thùng,…. Đều được thực hiện với một sự chính xác tuyệt vời.


Nhưng sự lôi cuốn chính của mà biểu diễn chính là những chàng Mũi Dài hẵng còn lạ lẫm với người châu Âu.


Những chàng Mũi Dài là nhóm đặc biệt được thần Tengu bảo hộ. Vận trang theo phong cách thời Trung Cổ, họ treo trên vai những cặp cánh đẹp đẽ; nhưng điều đặc biển khiến họ khác biệt chính là những chiếc mũi dài và công dụng của chúng. Những chiếc mũi được làm từ tre, dài khoảng năm, sáu, thậm chí mười tấc, chiếc thì thẳng, chiếc thì lượn sóng, chiếc lại cài nơ, và có chiếc thì chi chít mụn cóc. Đó là những phụ kiện họ phải dính chặt vào mũi thật khi biểu diễn những màn nhào lộn của họ. Một tá những người đóng Tengu nằm thẳng cẳng trên sân khấu, trong khi những người khác, đùa giỡn trên mũi của họ, nhảy từ chiến này sang chiếc khác, và trình bày những màn lộn nhào điêu luyện khó tin.


Ở cảnh cuối, “tháp người” đã hoàn thành, là gồm năm mươi chàng Mũi Dài tạo thành “Xe Tháp Juggernaut”. Nhưng, thay vì tạo hình tháp bằng cách đứng trên vai người khác, các nghệ nhân phải xoay sở trên những cái mũi. Đây là màn chỉ đòi hỏi mỗi sức mạnh và khéo léo là đủ; nhưng một người tạo nền xe đã rời đoàn, và chính Passepartout được xếp thay người này.


Anh chàng tội nghiệp cảm thấy thực buồn khi – cái tính đa sầu đa cảm tuổi trẻ bốc lại! – phải khoác bộ phục trang thảm hại, đeo cặp cánh tía lia màu sắc và đeo lên cái mũi giả dài đến hơn sáu tấc so với mũi thật. Nhưng anh rồi cũng vui lên đôi chút khi nghĩ đến việc cái mũi đó sẽ kiếm cho anh ít đồ bỏ bụng.


Anh lên sân khấu, đứng vào hàng cùng với những người làm nền cho chiếc Xe của Juggernaut còn lại. Họ cùng nằm duỗi thẳng trên sàn, mũi chĩa thẳng lên như cột thu lôi. Nhóm nghệ nhân thứ hai biểu diễn những động tác thăng bằng trên những chiếc mũi-đính-thêm đó, rồi một nhóm thứ ba nữa trên nhóm thứ hai, rồi nhóm thứ tư, cho đến khi tháp-người cao đến tận màn phong lều bạt. Công trình này rất được chào đón bằng những tràng vỗ tay nhiệt nhiệt, nhưng đột nhiên giữa tiếng nhạc của dàn nhạc, một tiếng rầm vang dữ dội, rồi cái tháp đổ ầm ầm, thăng bằng bị phá vỡ, một trong những chiếc mũi nền đã biến mất khỏi tháp, và tháp-người rơi lả tả như chiếc lâu đài bằng bài giấy!


Đó chính là lỗi của Passepartout. Anh đã tự ý bỏ vị trí của mình, nhảy qua hàng đèn chiếu mà không cần dùng đến cặp cánh sau lưng, và, bò lên dàn ghế bên tay phải rồi quỳ sụp xuống dưới chân một khán giả. Anh khóc nức nở, “A, ông chủ! Ông chủ của tôi!”


“Anh đấy à?”


“Chính tôi.”


“Tốt lắm; vậy thì ra tàu khách thôi, chàng trai!”


Ngài Fogg, Aouda, và Passepartout lướt qua dãy hành lang nhà hát ra phía ngoài, khi họ đụng độ với ngài Batulcar Đáng Kính đang đỏ bừng mặt vì giận dữ. Ông ta yêu cầu bồi thường thiệt hại của chiếc tháp người; và Phileas Fogg xoa dịu cơn thịnh nộ của ông ta bằng cách ném cho ông ta một nắm giấy bạc.


Sáu giờ rưỡi, đúng giờ khởi hành, ngài Fogg và Aouda, theo sau là Passepartout đang luống cuống tháo gỡ cặp cánh giả và chiếc mũi dài sáu tấc, bước tên tàu khách American.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét