Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

[80 ngày vòng quanh thế giới] Chương 25

Chương 25: Chuyện ở San Francisco




Ngài Fogg, Aouda và Passepartout đặt chân lên châu Mỹ lúc bảy giờ sáng. Những cầu cảng nổi lập lờ trong dòng thuỷ triều sớm giúp việc bốc dỡ hàng hoá trở nên thuận tiện. Trải khắp cầu cảng là những chiếc thuyền cao tốc ba cột buồm lớn với cánh buồm vuông, những tàu khách khổng lồ từ đến từ mọi lãnh thổ trên thế giới, những chiếc tàu chạy bằng hơi nước nhiều tầng boong xếp hàng trên sông Scaramento và trên những nhánh phụ lưu của nó. Các kho hang gần cầu cảng chất đống hàng tấn sản phẩm thương mại xuất khẩu sang Mexico, Chili, Peru, Brazil, Châu Âu, Châu Á, và tất cả những quần đảo Thái Bình Dương.


Passepartout, trong trạng thái phấn khởi vì đã đến được châu lục cuối cùng trong hành trình, đã nghĩ rằng anh sẽ ăn mừng tiền-chiến-thắng bằng những cú nhào lộn nguy hiểm nhưng không kém phần tinh tế; nhưng khổ thay những cú ăn mừng đó lại được thực hiện trên tấm ván cầu mục nát, khiến anh ngã lộn cổ một cách ngoạn mục. Vậy là rốt cuộc anh chàng đã “đặt chân” lên Thế Giới Mới bằng một tiếng thét thất thanh vô cùng mất hình tượng khiến hàng sa số chim cốc và chim bồ nông vốn đang bâu đầy trên những cầu cảng di động loạn nháo nhào bay mất.


Ngài Fogg, khi xuống bờ cảng, lập tức vào việc tìm tàu đến New York, và biết được rằng chuyến sớm nhất sẽ xuất phát lúc sáu giờ chiều; vậy là ngài có cả ngày loanh quanh trong trung tâm California. Ngài thuê một xe ngựa cho mình và Aouda với giá ba đô la, trong khi Passepartout vắt vẻo trên ghế ngang cạnh gã đánh xe, và họ thẳng tiến đến khách sạn Quốc Tế.


Từ vị trí của Passepartout, anh có thể thoả thích quan sát với sự thích thú những con phố rộng rãi, những ngôi nhà rầm thấp, những nhà thờ mang phong cách Gothic Ăng-lê Sác Xông, những dãy bến đậu thuyền bè khổng lồ, những kho chứa hàng bằng gạch và bằng gỗ nguy nga, vô số phương tiện vận chuyển, xe buýt công cộng, xe ngựa kéo, và trên vỉa hè chen chúc không chỉ người châu Mỹ và châu Âu, mà có cả người Trung Hoa và người Ấn. Passepartout rất đỗi ngạc nhiên trước những thứ anh mục kiến. San Francisco không còn là thành phố huyền thoại của năm 1849 xưa cũ – thành phố của lũ trộm cướp, đám sát thủ và những kẻ đốt nhà từng đổ xô vào đám đông nhập hội cùng đám cướp bóc; thiên đường của luật rừng, tổ của những vụ bài bạc cá cược bằng vàng bụi, nhà của những gã bất cần một tay dao găm một tay súng ống. Giờ thì nó là một trung tâm thương mại khổng lồ.


Từ ngọn tháp trác tuyệt của toà thị chính người ta có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh vĩ đại của những khu phố và những con đường giao nối chằng chịt như mê cung, giữa mê cung đó nổi lên vài quảng trường cỏ xanh mát mắt, những khu phố đặc Trung Quốc như thể được đóng gói trong hộp quà chuyển từ Đế chế thần thánh. Những chiếc mũ phớt rộng vành và áo đỏ thắm và những người Ấn Độ với làn da màu mận không xuất hiện mấy; nhưng đâu đâu cũng thấy dân bản địa hối hả và những quý ông ăn diện trong mũ lụa và áo khoác dạ đen. Một vài khu phố-- đặc biệt là phố Montgomery, giống như phố Regent ở London, Boulevard des Italiens ở Paris, và Broadway ở NewYork – những cửa hiệu rộng rãi và xoa hoa xếp hàng hang lối lối trật tự gọn gàng sang trọng với những cửa sổ kính trưng bày sản phẩm đến từ mọi miền trên thế giới.


Khi Passepartout đến khách sạn Quốc Tế, anh ngỡ ngàng tưởng rằng mình chưa từng rời Anh.


Tầng trệt khách sạn là một quán bar khổng lồ, một dạng nhà hàng mở cửa liên tục hai tư trên bảy dành cho mọi khách bộ hành ghé qua, nơi họ có thể thưởng thức thịt bò khô, súp hàu tươi, bánh quy, phô mai, mà không phải động đến ví tiền. Chỉ phải trả tiền cho rượu lúa mạch, nhân viên khuân vác hoặc trái sơ ri ngâm rượu. Cách thức này mang chất “đặc Mỹ” đối với Passepartout. Ngài Fogg và Aouda đã lựa lấy một bàn ở phòng đón gió thoải mái của khách sạn, và được phục vụ rất nhiều những món tráng miệng cỡ nhỏ trong những chiếc đĩa tối màu.


Sau bữa sáng, ngài Fogg cùng với Aouda cùng đến Lãnh sứ quán Anh để xin thị thực cho hộ chiếu. Khi chuẩn bị ra ngoài, Passepartout đã hỏi ngài liệu có nên sắm vài chục khẩu súng trường hay súng lục gì đó trước khi bắt tàu không. Anh đã nghe được bóng gió vài vụ tấn công tàu hoả của bè lũ Sioux và Pawnees. Ngài Fogg nghĩ sự cảnh giác đó là vô tác dụng, nhưng vẫn bảo anh chàng làm điều gì anh thấy cần thiết, rồi đến Toà Lãnh Sự.


Nhờ “sự tình cờ có một không hai”, ngài Fogg chạm mặt Fix khi đi chưa đầy hai tram bước. Viên thám tử có vẻ bị sự kinh ngạc xâm chiếm. Cái gì cơ! Anh ta và ngài Fogg cùng vượt qua Thái Bình Dương với nhau, ấy thế mà không hề gặp nhau trên tàu khách! Ít nhất Fix cảm thấy rất hân hạnh được tái kiến với quý ông đã gia ơn giúp đỡ anh rất nhiều, và, do yêu cầu của công việc gọi anh ta về châu Âu, anh rất vui mừng được tiếp tục cuộc hành trình với những người bạn đồng hành đáng mến đến vậy.


Ngài Fogg đáp lại rằng ngài mới là người được vinh dự; và tay thám tử - quyết tâm không rời mắt khỏi mục tiêu lấy một giây – nài nỉ được đi tham quan San Francisco cùng họ. Ngài Fogg đồng ý tức thì.


Họ nhanh chóng đến phố Montgomery đông nghẹt; các vỉa hè, dưới lòng đường, đường xe ngựa, bậc thềm các cửa hàng, thậm chí ngay cả trên mái nhà, cũng tập trung đầy những là người. Đàn ông khiêng theo những tấm bảng hiệu khổng lồ; cờ rủ và cờ hiệu phất phơ trong gió; tiếng khóc than vang lên từ mọi xó xỉnh.


“Hoan hô Camerfield!”


“Hoan hô Mandiboy!”


Đó là một cuộc biểu tình chính trị; hoặc ít ra thì Fix phỏng đoán vậy. Anh ta nói với ngài Fogg, “Có lẽ chúng ta không nên chen vào đám đông này. Rất có thể sẽ có nguy hiểm.”


“Đúng vậy.” Ngài Fogg đáp lại; “rồi bị thổi tung như bong bóng chính trị.”


Fix cười khi nghe câu so sánh; và để quan sát tiến trình mà không bị cuốn vào, nhóm người chọn một vị trí trên vỉa hè ở cuối phố Montgomery. Đối diện họ, lề đường bên kia, giữa một cầu bến vận chuyển than và một kho chứa dầu hoả, một bục diễn thuyết cao vổng vượt đầu người, và có vẻ là tụ điểm hướng đến của đám đông.


Cuộc biểu tình này nhằm mục đích gì? Sự kiện nào đã gây nên cuộc tụ họp đó? Phileas Fogg không đoán ra nổi. Để tiến cử truyền bá cho vài đại biểu cao cấp trong chính phủ hay thành viên Quốc hội? Không thể nào, rõ ràng cuộc biểu bình này mang tính kích động.


Đúng lúc đó đột nhiên có một sự xáo trộn bất thường giữa đám đông lúc nhúc người. Tất cả các cánh tay  giơ lên không trung. Một vài người đột ngột biến mất khỏi đám đông đang hò hét đòi bỏ phiếu. Đám đông đột ngột hỗn loạn, cờ rủ và biển hiệu đổ rạp, biến mất trong tích tắc và xuất hiện lại trong tình trạng tả tơi xơ mướp. Làn sóng đầu người bắt đầu chuyển động dữ dội giống như bề mặt biển cả vốn đang tĩnh lặng giờ bắt đầu xao động khi nổi gió. Những đầu mũ đen dần biến mất, và phần lớn đám đông có vẻ như lùn hẳn đi.


“Rõ là một cuộc biểu tình rồi,” Fix nói, “và nguyên cớ chắc phải thú vị lắm đây. Tôi không nên tọc mạch nếu nó là về Alabama, dù nó đã rõ rành rành thế kia.”


“Có lẽ,” Ngài Fogg đáp cụt lủn.


“Ít nhất thì có tới hai gã thắng cuộc đại diện cho mỗi cánh, Ngài Camerfield Đáng Kính và ngài Mandiboy Đáng Kính.”


Aouda, khoác tay ngài Fogg, quan sát khung cảnh huyên náo với biểu cảm ngạc nhiên, trong khi Fix dò hỏi một người đàn ông gần đó về lí do gây nên sự hỗn loạn nọ. Trước khi người đàn ông kịp trả lời thì một đợt tranh cãi mới lại dậy lên; những tiếng hò reo và sự hứng khởi lan khắp đám người; những tấm biển hiệu bắt đầu bị làm dụng như một thứ vũ khí để xúc phạm; những đấm tay phẫn nộ giật tung từ mọi hướng. Họ đấm rầm rầm vào những thùng xe ngựa kéo hoặc thân xe buýt bị kẹt cứng giữa đám đông. Ủng và giày quay cuồng trong không trung như hoa tung trong đám cưới, và ngài Fogg nghĩa rằng ngài thậm chí còn nghe thấy tiếng lách cách của ổ quay súng lục đang lên đạn, khiến đoàn người giật lùi về phía cầu thang và tràn dần xuống những bậc cấp thấp hơn. Rõ là một phe đã bị đẩy lùi; nhưng phàm là những kẻ chỉ đơn thuần quan sát thì không thể phân biệt nổi phe Mandiboy hay phe Camerfield đang chiếm ưu thế.


“Tôi thấy chúng ta nên rút đi thì hơn,” Fix nói. Anh ta không muốn con mồi của mình bị vần tả tơi, ít nhất là cho đến lúc họ trở về London. “Nếu có vấn đề dính dáng đến Anh Quốc trong mớ hổ lốn này, và nếu chúng ta bị nhận ra, thì tôi hòng là sẽ lôi thôi lắm.”


“Liên quan đến Anh…” Ngài Fogg bắt đầu.


Ngài chưa nói hết câu thì một đợt huyên náo khủng bố cuộn dậy trên những sân thượng mấy toà nhà cách họ chỉ dăm bước chân, “Hoan hô Mandiboy! Ủng hộ Mandiboy!”


Đó là nhóm cử tri xuất hiện để giải cứu đồng minh của họ bằng cách tấn công vào mạn sườn đoàn người về phe Camerfield. Ngài Fogg, Aouda và Fix phát hiện rằng họ đã bị mắc kẹt giữa hai mồi lửa; và rằng đã quá muộn để thoát thân rồi. Dòng lũ người tay ôm gậy gộc hung dữ bất chấp mọi thứ. Phileas Fogg và Fix phải vận hết sức bình sinh để bảo vệ người bạn đồng hành yếu đuối của họ; ngài Fogg, tuy vẫn bình tĩnh như bao giờ hết, cố gắng tự vệ bằng chiếc gậy ba toong mà trời sinh đã được đặt vào tay những quý ông người Anh để phô bày phong thái của họ, nhưng vô hiệu. Một chàng trai to cao râu đỏ, gương mặt phừng phừng và bờ vai rộng, trông có vẻ như là kẻ cầm đầu toán người, lao về phía ngài Fogg với nắm tay nghiến chặt. Đáng nhẽ ra ngài Fogg đã phải hứng một cú táng trời giáng rồi, nếu không phải Fix hào hiệp đột xuất mà lao đến nhận thay. Một vết bầm tướng lập tức xuất hiện dưới chiếc mũ lụa mất vành của tay thám tử.


“Bọn Yankee!” Ngài Fogg quắc mắt nhìn những kẻ gây rối bằng thái độ miệt thị.


“Gã người Anh!” Tên kia bật trả. “Chúng ta sẽ còn gặp lại!”


“Khi ngươi muốn.”


“Tên mày là gì?”


“Phileas Fogg. Còn ngươi?”


“Colonel Stamp Proctor.”


Dòng thuỷ triều người tràn qua. Fix mau chóng bật dậy sau một cú ngã khiến quần áo rách bươm hết cả. May thay anh ta không bị vết thương nào quá nghiêm trọng. Chiếc áo gió khoác ngoài bị xé thành hai mảnh không đều, chiếc quần dài lướt thướt như quần của dân Ấn. Aouda bình yên vô sự, và chỉ mỗi mình Fix phải mangg them cái dấu bầm tím to đùng thượng giữa mặt.


“Cảm ơn,” ngài Fogg nói với tay thám tử khi họ bò ra khỏi đám đông.


“Không có gì,” Fix đáp, nói thêm, “chúng ta té thôi.”


“Đến đâu?”


“Đến hàng quần áo.”


Với tình trạng tơi tả của cả ngài Fogg lẫn Fix, cuộc viếng thăm đó quả là cấp thiết. Bộ dạng họ cứ như thể vừa trực tiếp chủ động tham gia vào cuộc đấu giữa hai bè phái Camerfield và Mandiboy vậy. Một tiếng sau, đã vận sức tử tế lại lần nữa, họ hộ tống Aouda trở về khách sạn Quốc Tế.


Passepartout đang đợi ông chủ của mình. Anh đã tự võ trang tới nửa tá súng lục. Khi thấy Fix bước sau ông chủ, anh nhíu mày khó chịu; nhưng khi nghe Aouda nhanh chóng thuật lại cuộc phiêu lưu của họ bằng vài câu ngắn gọn, biểu cảm của anh chàng trở nên hoà hoãn hơn. Fix quả nhiên không còn là kẻ thù nữa, mà đã thành đồng minh; anh ta đã giữ lời.


Kết thúc bữa tối, chiếc xe thùng chở hành khách và hành lý đến sân ga tấp vào cửa chính. Khi họ vào xe, ngài Fogg hỏi Fix, “Ngài không gặp lại tay đại tá Proctor đó sao?”


“Không.”


“Tôi sẽ trở lại Mỹ để tìm ông ta.” Phileas Fogg nói bình thản. “Một quý ông Anh quốc không thể cho phép bản thân chấp nhận loại đối xử đó mà không đáp trả thoả đáng.”


Tay thám tử nhếch mép cười nhưng không đáp. Ngài Fogg là mẫu quý ông Anh Quốc không chấp nhận đấu tay đôi trên đất họ nhưng lại sẵn sàng lao vào cuộc chiến bảo vệ danh dự ở xứ người.


Sáu giờ kém mười lăm hành khách tới ga và thấy tàu đã sẵn sàng xuất phát. Ngay khi chuẩn bị lên tàu, ngài Fogg gọi một tay chuyển hàng và nói: “Này anh bạn, San Francisco hôm nay có sự vụ gì lớn lắm phải không?”


“Có một cuộc biểu tình chính trị đấy, thưa ngài,” tay nhân viên trả lời.


“Vậy mà tôi thấy khắp các phố náo loạn như bạo động.”


“Đó chỉ là mít ting vận động bầu cử mà thôi.”


 “Đó hẳn là cuộc bầu cử tổng tư lệnh rồi?” Ngài Fogg hỏi.


“Không đâu thưa ngài; họ bầu thẩm phán hoà giải đấy.”


Phileas Fogg lên tàu. Đoàn tàu lao vút đi với vận tốc tối đa.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét