Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

[80 ngày vòng quanh thế giới] Chương 26

Chương 26: Trên đường ray Thái Bình Dương


“Từ đại dương đến đại dương”—như cách dân Mỹ hay nói; và câu nói ngắn ngủn này mô tả thiết kế tổng thể của “tuyến đường chính” chạy ngang dọc khắp Hợp Chủng Quốc Hoa Kì. Công ty Đường Sắt Thái Bình Dương thực ra lại chia ra hai tuyến riêng biệt: Thái Bình Dương Trung Tâm nối giữa San Francisco và Ogden, và Thái Bình Dương Thống Nhất nối giữa Ogden và Omaha. Năm tuyến đường chính nối Ohama với New York.


New York và San Francisco được kết nối trực tiếp bằng sợi dây băng bằng thép dài không dưới ba ngàn bảy trăm tám mươi sáu dặm. Giữa Omaha và Thái Bình Dương, đường sắt phải qua một vùng đất rộng lớn vẫn còn những tộc dân da đỏ và thú hoang, được người Mormon khai hoang sau khi họ bị đánh đuổi khỏi Illinois vào năm 1845.


Cuộc hành trình từ New York đến San Francisco về mặt tính toán dưới những điều kiện lý tưởng cũng phải ngốn ít nhất 6 tháng ròng. Thế mà ngay nay chỉ tốn vỏn vẹn bảy ngày đường.


Chính là vào năm 1862, mặc dù những đại biểu Quốc Hội đại diện cho Miền Nam muốn tuyến đường ngả về phía nam nhiều hơn, rốt cuộc người ta vẫn quyết định trải nó nằm giữa vĩ tuyến bốn mốt và bốn hai. Tổng thống Lincoln đã tự mình phê duyệt điểm cuối của tuyến đường là ở Omaha, Nebraska. Công trình được khởi công ngay tức khắc với thứ nhiệt huyết kiểu Mỹ đích thực; và phải nói thêm rằng tốc độ hoàn thành nhanh chóng tuyến đường cũng chẳng mảy may gây nên sơ suất đáng nói nào ảnh hưởng tới chất lượng cuối cùng của nó. Cứ mỗi ngày con đường lại dài them một dặm rưỡi trên thảo nguyên. Một đầu máy xe lửa chạy trên đường ray đã hoàn thành từ trước, đem ray sắt đến đặt sẵn ở điểm nối cần cho ngày hôm sau, liên tục không ngừng nghỉ.


Công ty Đường Sắt Thái Bình Dương mở nhiều chi nhánh ở Iowa, Kansas, Colorado và Oregon. Trên đường rời Omaha, nó chạy dọc bờ trái của sông Platte cho đến tận điểm giao với tuyến đường trên bờ Bắc của nó, đi tiếp đến lãnh thổ Laramie và dãy núi Wahsatch, ngoặt sang Hồ Muối Lớn, chạy qua thị trấn Hồ Muối – thủ đô của người Mormon, lao xuống thung lũng Tuilla, vượt ngang Sa Mạc Mỹ, Cedar và dãy Humboldt, dãy Sierra Nevada, rồi đi xuống tiếp Sacramento để đến Thái Bình Dương. Cái quãng đường đó mà lại có thể được hoàn thành trong có bảy ngày thôi đấy! Điều đó sẽ giúp Phileas Fogg—ít nhất là như ngài mong đợi – bắt kịp tàu khách Đại Tây Dương ở New York vào ngày mười một để đến Liverpool.


Khoang tàu ngài Fogg thuê trọn là một khoang dài cỡ một chiếc xe thùng tám bánh, bên trong không chia buồng. Nó được lắp sẵn hai hàng ghế dài, ngắt ở lối vào khoang, đoạn có bậc cấp xuống tàu. Những bậc cấp này xuất hiện nhan nhản khắp tàu giúp hành khách có thể di chuyển từ khoang này sang khoang nọ. Đoàn tàu được nối với khoang phòng khách, khoang nhà hàng, khoang hút thuốc, và khoang ngắm cảnh; thế mà người ta vẫn còn đang chờ đợi khoang nhà hát nữa đấy – hẳn nhiên một ngày họ sẽ có nó.


Những tay bán báo dạo, sách dạo, buôn thực phẩm, đồ uống, thuốc lá di chuyển thoăn thoắt và liên tục giữa các khoang như thể có nhiều khách hàng lắm.


Đoàn tàu rời ga Oakland lúc sáu giờ. Giờ đêm đã xuống, lạnh giá và âm u, mây che kín đầu trời báo hiệu tuyết rơi. Tốc độ của xe lửa không nhanh lắm; biết những điểm phải dừng nên nó chỉ duy trì ở tốc độ khoảng hai mươi cây số một giờ, tuy nhiên thế cũng đủ để đến Omaha trong khoảng thời gian dự kiến.


Lúc đầu cũng có vài lời trao đổi nhỏ lẻ trong khoang, nhưng chẳng mấy chốc các hành khách chìm vào giấc ngủ. Passepartout ngồi bên cạnh tay thám tử, nhưng chẳng buồn mở miệng nói lấy một câu. Sau những sự kiện vừa rồi, mối quan hệ giữa họ đã trở nên lạnh nhạt; không thể tìm thấy nổi thứ đồng cảm hay thân mật nào giữa họ nữa. Thái độ của Fix chẳng hề thay đổi; nhưng Passepartout lại rất kín đáo, và luôn trong trạng thái sẵn sàng bắt bẻ bất cứ cử chỉ khiêu khích nào dù chỉ nhỏ nhất của người bạn cũ.


Tuyết bắt đầu rơi khoảng một tiếng sau khi họ khởi hành. Tuyết rơi tuy nặng hạt nhưng may thay không hề gây trở ngại gì cho đoàn tàu; từ cửa sổ của tàu chẳng nhìn thấy gì ngoài một màu trắng vô tận, đối lập với màu xám nhờ của khói thải từ đầu máy xe lửa.


Tám giờ tối người quản tàu vào khoang hành khách để thông báo đã đến giờ lên giường; và chỉ trong vài phút khoang xe được chỉnh thành kí túc. Lưng ghế được xếp lại, đệm nằm cuộn thành ghế được mở bằng một hệ thống khéo léo và nhanh chóng, và mỗi hành khách có quyền hưởng một chiếc giường thoải mái, giữa các giường có treo màn để ngăn cách những ánh nhìn tò mò. Mền giường sạch sẽ và gối bông mềm. Chỉ còn mỗi việc phóng lên giường đánh một giấc – đúng điều ai nấy đều làm – trong khi đoàn tàu xả hết tốc lực để chạy xuyên qua California.


Vùng quê giữa San Francisco và Sacramento không lồi lõm nhiều. Tuyến đường Thái Bình Dương Trung Tâm chọn Sacramento làm khởi điểm, trải dài về hướng đông để nối với con đường từ Omaha. Lộ trình từ San Francisco đến Sacramento chạy theo hướng đông bắc, song song với Sông Mỹ khô hạn đến tận vịnh San Pablo. Một tram hai mươi dặm giữa những thành phố này chỉ đòi hỏi sáu giờ đồng hồ, và Sacramento trôi tuột đi qua giấc ngủ; thành thử họ chẳng chiêm ngưỡng được gì ở nơi trọng yếu đó – nơi chính phủ Liên Bang đặt trụ sở, với những cầu cảng hoành tráng, những con phố rộng thênh thang, những khách sạn xa hoa, những quảng trường và nhà thờ của nó.


Đoàn tàu khi ra khỏi Sacramento và vượt khỏi giao lộ Roclin, Auburn và Colfax thì tiến vào dãy núi Sierra Nevada. Bảy giờ sáng nó đã đến ga Cisco; một tiếng sau đó buồng ngủ đã biến trở lại một khoang thường, và các hành khách đã có thể tận hưởng vẻ đẹp nên thơ của vùng núi non bạt ngàn qua lớp cửa kính mờ sương. Đường tay tàu hoả uốn lượn mềm mại theo địa thế thất thường của dãy núi, lúc thì bám vào sườn núi bên này, lúc lại treo bên đường ray bênh vực thẳm chênh vênh bên kia, tránh những góc chết bất ngờ bằng những khúc men táo bạo, lao vào những hẻm núi hẹp mà thoạt nhìn tưởng như không có lối thoát. Đầu máy xe lửa sáng rực như hòm đựng thánh tích, với chiếc chuông bạc sắc lẻm, và cái gậy đuổi bò lòi ra như một chiếc móc sắt, hoà quyện với tiếng rít rẩm của dòng thác và xoắn làn khói của nó vào những tán thông khổng lồ.


Có rất ít, hoặc phải nói là gần như không có cầu đường hoặc đường hầm trên suốt chặng đường. Đường ray chạy lượn quanh núi non, cố gắng tránh việc huỷ hoại thiên nhiên chỉ vì tiết kiệm dăm dặm đường giữa các điểm nối chuyến.


Đoàn tàu vào đến địa phận bang Nevada qua thung lung Carson vào khoảng chín giờ, luôn thẳng tiến hướng đông bắc; và giữa ngày họ đến Reno, điểm dừng hai mươi phút cho bữa sáng.


Từ điểm này của con đường, chạy men theo bờ sông Humboldt vài dặm về phía bắc, rồi lại trở về hướng Đông, và tiếp tục lao dọc song cho đến khi vào địa phận Humboldt Range, gần giới hạn cực đông của Nevada.


Sau khi dùng xong bữa sáng, ngài Fogg và bạn đồng hành cùng trở về khoang cá nhân, và thưởng thức những cảnh tượng hùng vĩ đa dạng trải trước mắt họ khi tàu lướt qua những đồng cỏ bát ngát, những dãy núi in dọc chân trời, và những dòng sông tung bọt trắng xoá. Thỉnh thoảng những đàn trâu vĩ đại tụ thành một khối xuất hiện phía xa trông như một con đê chắn có thể chuyển động. Những đàn thú nhai lại vô số cá thể kiểu này thường tạo thành những trở ngại không thể vượt qua nổi; hàng nghìn con lao ầm ầm ngang qua đường ray trong nhiều giờ liền với mật độ dày đặc. Lúc đó thì xe lửa buộc phải dừng lại để đợi đến khi đường ray thông thoáng trở lại.


Đây chính xác là điều xảy đến với đoàn tàu của ngài Fogg. Tầm mười hai giờ trưa, một đội quân khoảng mười đến mười hai ngàn đầu bò ngăn trở đường ray. Đầu máy xe lửa hạ tốc độ và cố dọn đường bằng chiếc đinh móc đuổi bò; nhưng số lượng đám quái vật quá khủng khiếp. Những con bò tướng diễu hành thản nhiên như trêu ngươi thiên hạ, thỉnh thoảng rống lên những tiếng chát chúa kinh hồn. Chẳng gì có thể đổi chí của loài thú này khi chúng quyết chọn một hướng đi cụ thể; đó là một dòng thác sống mà không đê đập nào ngăn đỡ nổi.


Những hành khách sững sờ ngắm nhìn cảnh tượng bất thường này từ sàn ngoài xe lửa; chỉ độc Phileas Fogg, người có lí do để nóng ruột một cách chính đáng nhất, lại yên vị tại chỗ, và chờ đợi đến khi đàn bò chịu thoả mãn với thái độ phong nhã của ngài để nhường lối cho ngài tiếp tục chuyến đi.


Passepartout nổi đoá với sự chậm trễ họ đụng phải, đến mức khao khát được nhồi đạn vào ống quay đống súng lục để xả nhừ chúng cho bõ cơn tức.


“Cái xứ sở kì quái!” Anh chàng thốt lên. “Một lũ gia súc cũng chặn được tàu, lại còn đủng đỉnh như đang dự một đám rước chứ không phải đang cản tàu chứ lại! Khỉ gió! Không biết ngài Fogg có đoán trước được cái của nợ này không nữa đây! Và đó, lại còn lão kĩ sư không dám lao tàu xuyên qua lũ quỷ này nữa!”


Viên kĩ sư không cố tìm cách vượt qua trở ngại, và ông ta làm thế là sáng suốt. Ông ta có thể nghiền xác dăm con bò đầu tiên với chiếc móc sắt đuổi bò, hẳn thế rồi; nhưng đầu máy xe lửa dù có mạnh mẽ đến đâu đi chăng nữa cũng sẽ bị kiềm hãm, và đoàn tàu sẽ không tránh được kiếp bị húc khỏi đường ray. Lúc đó thì vô vọng.


Sự lựa chọn hợp lý nhất là kiên nhẫn chờ đợi, rồi bù đắp khoảng thời gian mất mát bằng cách tăng tốc tối đa sau khi trở ngại đã khuất. Cuộc diễu hành của đàn bò kéo dài tròn ba tiếng đồng hồ. Con đường thông lại khi trời đã tối mịt. Những con cuối cùng của đoàn bò giờ đang vượt qua đường ray, trong khi những con đầu tiên đã sớm khuất bóng nơi đường chân trời phía nam.


Đoàn tàu đến những hẻm núi của Humboldt Range lúc tám giờ tối, và chín rưỡi tối nó đã tiến vào lãnh địa bang Utah thuộc Hồ Muối Lớn, thuộc địa của người Mormon.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét