Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

[80 ngày vòng quanh thế giới] Chương 27

Chương 27: Passepartout giết thời gian trên tàu bằng lịch sử người Mặc Môn



Vào giữa đêm mồng năm tháng mười hai, đoàn tàu chạy đã chạy được khoảng năm mươi dặm về hướng đông nam; rồi quay về hướng đông bắc cũng một khoảng tầm đó để tiến về Hồ Muối Lớn.


Tầm chín giờ, Passepartout ra khỏi khoang hóng chút gió trời. Thời tiết khá lạnh, bầu trời xám xịt, nhưng tuyết đã ngừng rơi. Vầng thái dương to ra do sương mù, trông hệt như một chiếc nhẫn vàng khổng lồ, và Passepartout đang tự giải trí bằng việc tính toán giá trị của “khối vàng” quy ra đồng bảng, thì sự xuất hiện của một nhân vật có vẻ ngoài lạ lung khiến anh xao lãng.


Người đàn ông bắt tàu ở Elko này rất cao lớn, nước da sẫm màu, ria mép đen, vớ đen, áo nịt màu đen, quần đen, cà vạt trắng và găng tay bằng da chó. Người ta bảo rằng ông là một linh mục. Ông ta đi từ đầu này sang đầu kia xe lửa, ở cửa mỗi toa ông dán một tờ chỉ dẫn viết tay.


Passepartout tiến lại gần để đọc một trong số những tờ ghi chú đó. Trên đó ghi rằng ngài Elder William Hitch, nhà truyền đạo người Mormon, nhân dịp có mặt trên chuyến tàu số bốn mươi tám, sẽ tổ chức một buổi diễn thuyết về đạo Mormon ở khoang số 117 từ mười một đến mười hai giờ; và rằng ngài mời tất cả những người có ham muốn quan tâm đến việc tìm tòi những bí ẩn thuộc tôn giáo “Giáo Hội Mặc Môn” tham dự. (“Latter Day Saint”, hay còn gọi là “Thánh hữu ngày sau”).


“Mình sẽ đi”, Passepartout tự nhủ. Anh chàng chẳng biết mô tê gì về Đạo Mặc Môn ngoại trừ phong tục đa phu đa thê – nền tảng xây dựng đạo giáo này.


Tin tức nhanh chóng lan truyền khắp tàu lửa đang chở tầm một trăm hành khách, nhưng chỉ có khoảng ba mươi người thấy đề tài đó hấp dẫn và tụ họp lại trong khoang số 117. Passepartout chiếm một trong những ghế ở hàng đầu tiên. Còn như ngài Fogg và Fix, chẳng ai buồn để tâm cả.


Đúng giờ đã định, Huynh trưởng William Hitch đứng dậy, và bằng một thứ giọng cáu kỉnh như thể phật ý vì bị ai đó phản bác trước đó, ông ta nói: “Tôi, tôi xin nói với các ngài rằng Joe Smith là một người tử vì đạo, rằng anh trai ngài ấy Hiram là một người tử vì đạo, và rằng sự đàn áp của Chính phủ Hoa Kì với những nhà tiên tri cũng sắp biến Brigham Young thành một người tử vì đạo đấy! Ai dám phản đối nào?”


Chẳng ai liều lĩnh đối đầu với ông truyền giáo đang lên cơn hưng phấn tiêu cực, dù ông ta vẫn khoác bộ mặt bình tĩnh tự nhiên. Chẳng nghi ngờ gì, cơn giận dữ của ông ta bắt nguồn từ những khó khăn cam go người Mormon đang phải đối đầu. Quả thật chính phủ vừa mới trầy trật đạt được chút thành tựu trong việc thu hẹp số lượng những người cuồng tín độc lập đó và gò họ vào khuôn khổ pháp luật. Chính phủ đã tự đặt mình lên nắm quyền ở Utah, trói buộc vùng đất đó vào tầm kiểm soát của Hợp Chủng Quốc, sau khi buộc tội nổi loạn và tống giam Brigham Young và những người vợ của ông ta. Từ vụ đó, những môn đệ của nhà tiên tri này đã cố công nâng hoạt động truyền bá lên gấp đôi, đồng thời khăng khăng chống lại quyền lực của Quốc Hội. Huynh trưởng Hitch, như chúng ta đã thấy, đang nỗ lực chiêu mộ con chiên mới trên chính chuyến tàu này.


Rồi, nhấn mạnh bài diễn văn bằng giọng oang oang và thường xuyên viện đến ngôn ngữ cơ thể, ông ta thuật lại lịch sử của người Mormon (Mạc Môn) từ thời Thánh Kinh mới ra đời: bằng cách nào mà những nhà tiên tri người Mormon thuộc bộ lạc Joseph ở Israel đã kiến tạo nên biên niên sử một tôn giáo mới, và truyền lại chúng cho những người con Mormon; và rồi Joseph Smith con – một tá điền ở Vermont, người đã thể hiện những khả năng huyền bí của một nhà tiên tri năm 1825 – đã dịch lại cuốn kinh quý giá vốn được viết bằng tiếng Ai Cập cổ ra sao; và ông ta cũng không quên tả lại hùng hồn cách thiên thần truyền tin xuất hiện trước mặt người tá điền may mắn đó trong một khu rừng sáng rõ ánh dương thánh thần và trao cho ông ta biên niên sử kí của Chúa.


Vài thính giả không mấy hứng thú với bài tường thuật lê thê của nhà truyền giáo rời khỏi khoang tàu; nhưng Huynh trưởng Hitch vẫn tiếp tục bài diễn thuyết về Smith Con và cha ông ta, cùng với hai người anh thêm dăm môn đệ đã thành lập nhà thờ của “Thánh hữu ngày sau”, truyền đến không chỉ ở Mỹ, mà còn ở Anh quốc, Nauy, Thuỷ Điển, và Đức, kéo theo vô số thợ thuyền và những người hành nghề tự do; rồi họ đã làm thế nào để phủ tầm ảnh hưởng đến Ohio, dựng ở đó một ngôi đền têu tốn bét nhất cũng hai ngàn đô la, và thêm một ngôi làng ở Kirkland; từ đó Smith trở thành một giám đốc ngân hàng gan dạ và nhận được cuộn giấy da dê papyrus được Abraham và vài nhân cách lớn người Ai Cập viết như nào.


Câu chuyện của Huynh trưởng ngày càng chán ốm, và thính giả của ông dần thiếu tập trung hơn, cho đến khi chỉ còn chưa đến hai mươi hành khách lưu lại. Nhưng điều này chẳng hề ảnh hưởng đến sự nhiệt tình của nhà truyền giáo giữa khúc thăng hoa về sự phá sản của Joseph Smith năm 1837 với khoản nợ tín dụng nghiệt ngã chỉ chừa lại cho ông ta một chiếc áo lông đẫm dầu; rồi ông Smith tái xuất hiện vài năm sau đó, đáng kính và được tôn thờ hơn bao giờ hết, trong sự kiện Độc Lập ở Missouri dưới vị thế lãnh đạo một thuộc địa thịnh vượng gồm ba ngàn môn đệ, và từ đó ông bị bọn ngoại đạo ghen ghét truy đuổi, cuối cùng ẩn dật ở tận cùng miền Viễn Tây.


Giờ chỉ còn mười thính giả, một trong số họ là anh chàng Passepartout thật thà lắng nghe hết sức chăm chú. Đến đó anh đã biết được rằng sau những cuộc đàn áp dã man, Smith “tái xuất giang hồ” ở Illinois, và năm 1839 đã thành lập một đoàn thể ở Nauvoo thuộc Mississippi, đứng đầu hai mươi lăm ngàn tinh thần dưới vai trò một giáo trưởng tinh thần, một lãnh tụ công lý; và năm 1843 ông ta tự tuyên bố mình là ứng viên tranh cử tổng thống Hoa Kì; cuối cùng, bị cuốn vào cuộc mai phục ở Carthage, ông ta bị ném vào tù, và bị ám sát bởi một nhóm người đeo mặt nạ không rõ danh tính.


Lúc này còn mỗi mình Passepartout trong khoang, và Huynh trưởng nhìn thẳng vào mặt anh chàng để khắc vào đầu anh rằng hai năm sau sự kiện ám sát Joseph Smith, nhà tiên tri kế nhiệm, Brigham Young, được cảm hứng của Smith dẫn lối, đã rời Nauvoo đến bên bờ Hồ Muối Lớn, nơi mà, giữa khu vực màu mỡ đó, tuyến đường của những kẻ di cư nối trực tiếp từ Utah đến California, thuộc địa mới, nhờ công tục lệ đa phu đa thê của người Mormon, đã được phát triển mạnh mẽ vượt mọi mong đợi.


“Và điều này”, Huynh trưởng William Hitche đế thêm, “là lý do tại sao sự ghen ghét của Quốc Hội lại chĩa vào chúng tôi! Tại sao lính tráng của Hợp Chủng Quốc lại xâm chiếm đất đai Utah? Tại sao Brigham Young, lãnh đạo của chúng tôi, lại bị tống tù do những luật lệ đốn mạt kia? Chúng tôi sẽ bị khuất phục trước cường quyền chứ? Không bao giờ! Bị đuổi khỏi Vermont, bị đá khỏi Illinois, bị xua khỏi Ohio, bị từ chối ở Missouri, bị đẩy khỏi Utah, chúng tôi chỉ chưa tìm thấy mảnh đất tự trị nào để bám rễ lý tưởng mà thôi. Và anh, người anh em,” huynh trưởng tiếp tục, hướng ánh mắt ngập tràn phẫn nộ về phía thính giả duy nhất, “anh sẽ muốn hướng về bóng cờ của chúng tôi chứ?”


“Không!” Passepartout đáp trả một cách dũng cảm rồi cất gót tìm đường về khoang tàu cá nhân, để lại sau lưng Huynh trưởng thuyết pháp với không khí.


Suốt buổi diễn thuyết đoàn tàu đã di chuyển được kha khá, và đến mười hai rưỡi nó chạm đến mũi tây bắc của Hồ Muối Lớn. Từ điểm đó hành khách có thể quan sát vùng biển Chết bao la tiếp giáp với hạ nguồn dòng Jordan của châu Mỹ. Đó là một bức tranh thiên nhiên mỹ lệ mênh mông, viền quanh hồ là những tảng đá thô phủ muối trắng- hồi trước nước biển đã tràn đến tận đây, nay sau những bước nhảy của thời gian đã thu mình lại đôi chút, nhưng chiều sâu càng thêm bí hiểm.


Hồ Muối Lớn, bảy mươi dặm dài và năm mươi dặm rộng, toạ lạc ở độ cao ba ngàn tám trăm bộ so với mực nước biển. Khác với hồ Asphaltite nằm ở vị trí thấp hơn mặt nước biển tới hai ngàn bộ, nó chứa một lượng muối đáng kể, và một phần tư trọng lượng chất rắn trong nước bão hoà trong nước. Hiển nhiên là cá không sống nổi trong loại môi trường đó rồi, nhưng tỉ trọng muối cũng không nặng đến độ con người không lặn xuống được.


Vùng đất quanh hồ được canh tác dày đặc, vì đa phần tộc người Mormon đều là nông dân; hiện tại tuyết vẫn phủ trắng cảnh vật, nhưng chỉ sáu tháng tới đây thôi, những chuồng trại chăn nuôi gia súc, những cánh đồng lúa mì, ngô và những loại ngũ cốc khác, những đồng cỏ tốt tươi, những hàng rào hoa hồng dại, những khóm cây keo và xương rồng sẽ mọc lên sinh động.


Tàu đến ga Ogden lúc hai giờ, nơi nó tạm dừng trong sáu tiếng, nên ngài Fogg và bạn đồng hành có thời gian nhàn nhã thăm quan thành phố Hồ Muối liên kết với ga Ogden nhờ những nhánh đường mòn; họ dành hai giờ đồng hồ ở thị trấn đặc chất Mỹ như mọi thành khố thuộc Hợp Chủng Quốc khác với “nỗi buồn u ám lẩn khuất từng ngõ ngách” như Victor Hugo mô tả này. Người sáng lập Thành phố của Các Thánh đã không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh về tính cân xứng tuyệt đối trong phong cách Anglo Saxon. Ở cái xứ kì dị này, người ta dường như đã chẳng còn thắc mắc về tính vuông chằn chặn của mọi thứ - thành phố, nhà cửa, và những quảng trường.



Lúc ba giờ các du khách dạm bước trên đoạn phố được xây giữa bờ dòng Jordan và những khúc lượn đầu tiên của dãy núi Wahsatch. Họ thấy nơi dây có rất ít hoặc không có giáo đường, nhưng lại nhan nhản những dinh thự, đền đài của các nhà tiên tri, toà án, và kho vũ khí, những căn nhà gạch xanh có những hành lang và cổng vòm, bao quanh bởi những khu vườn rào bằng cây keo, cây dừa và xương rồng. Một bức tường bằng đất sét trộn đá cuội dựng năm 1853 ôm lấy toàn bộ thị trấn; và trên con phố chính các khu chợ và dăm khách sạn được trang trí bằng mái bạt. Nơi này dân có vẻ khá thưa. Các khu phố trống như sa mạc, ngoại trừ vùng phụ cận đền chùa ra. Có rất nhiều phụ nữ, hẳn là do truyền thống đặc thù của người Mormon; nhưng đúng ra thì không phải tất cả dân Mormon đều theo chủ nghĩa đa phu đa thê. Họ tuỳ quyền quyết định cưới hay không; mà phải nói rằng chính đàn bà con gái Utah mới khao khát lấy chồng nhất, bởi, như tín ngưỡng Mặc Môn, trinh nữ độc thân không được phép sở hữu những niềm vui sướng lớn lao nhất mà đức tin đem lại. Những tạo vật đáng thương mang vẻ âu sầu và khắc khổ. Những người đàn bà hạnh-phúc thì được mặc váy lụa đen thoải mái và chỉ cần choàng thêm một lớp voan mỏng; trong khi các cô độc thân phải ém mình trong thời trang kiểu Ấn.


Passepartout không thể không hoảng hốt khi chứng khiến cả một nhóm phụ nữ có cùng một bổn phận là đem lại hạnh phúc cho một người đàn ông Mormon. Trong lương tâm anh chàng, chính người chồng mới là kẻ khốn khổ. Dẫn dắt cùng lúc ngần đó thê thiếp vượt qua những thăng trầm cuộc sống quả là kinh khủng, và nếu đủ hơi sức vượt qua được chúng đến thiên đường trong tôn giáo Mặc Môn, thì lại phải chứng kiến những người đàn bà đó quay sang tôn thờ cung phụng ngài Smith-vinh-quang – người hiển nhiên là lãnh tụ bù nhìn của nơi sung sướng đó. Anh chẳng ưng gì mấy tập tục ở đây, và anh cảm giác – cũng có thể là nhầm – rằng dân tình Hồ Muối đang dõi liếc theo anh. May thay anh chẳng phải ở lại lâu lắm. Bốn giờ nhóm du khách đã quay lại ga tàu, lên khoang đặt trước, và tàu huýt còi chuẩn bị xuất phát. Tuy nhiên chính phút đầu máy xe lửa đang rục rịch chuyển động thì những tiếng thét chói vang lên “Dừng lại! Dừng lại!”


Tàu thuyền, như thời gian và thuỷ triều, chẳng chờ đợi ai sất. Quý ông vừa thốt lên những tiếng hốt hoảng đó là một người đàn ông Mormon. Ông ta thở không ra hơi vì chạy. May cho ông ta, ga tàu không dựng cửa ngăn hay rào chắn. Ông ta chạy gấp theo đường ray, nhảy lên bậc của toa cuối, rồi kiệt sức vật xuống một chiếc ghế dài trong toa.


Passepartout hồi hộp theo dõi vận động viên nghiệp dư đó, rồi nổi hứng tò mò tiếp cận quý ông Mormon và biết được rằng ông ta đã phải bỏ chạy thục mạng sau một chuyện bất hoà trong gia đình.


Khi người đàn ông Mormon đã lấy lại hơi, Passepartout đánh liều hỏi ông ta một cách lễ độ rằng ông ta có bao nhiêu vợ; vì, như cách bỏ trốn tất tưởi đó, người ta dễ đoán rằng ông ta phải có ít nhất hai mươi bà.


“Một bà thôi, thưa ngài,” người Mormon đáp, giơ hai tay lên trời –“chỉ một thôi cũng quá đủ rồi!”
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét