Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

[80 ngày vòng quanh thế giới] Chương 28

Chương 28: Passepartout thất bại trong việc thuyết phục


Đoàn tàu rời Hồ Muối Lớn từ ga Ogden, xuôi theo hướng Bắc được khoảng một tiếng thì đến sông Weber sau khi vượt gần chín trăm dặm tính từ San Francisco. Từ đó tiếp tục thẳng tiến theo hướng Đông sẽ đến vùng đồi núi nhấp nhô Wahsatch. Đó là khu vực kẹt giữa dãy núi này và dãy Rocky, nơi khiến những kĩ sư người Mỹ phải vò đầu bứt tóc nhất khi tìm cách đặt đường, và tróc của chính phủ một món trợ cấp tới bốn mươi tám ngàn đô một dặm thay vì mười sáu ngàn đô như trong dự thảo. Nhưng những kĩ sư tài giỏi đó đã tránh được những khó khăn khi vặn cong kéo dài con đường, thay vì phá huỷ thiên nhiên bằng cách nổ đá phá núi. Họ chỉ khoan duy nhất một đường hầm dài mười bốn ngàn bộ để đến thẳng lưu vực lớn.


Lúc này tàu đã leo lên khu đất cao nhất của Hồ Muối Lớn. Từ điểm này bắt đầu xuất hiện những khúc quanh dài trắc trở, lao xuống thung lung Bitter Creek, nồi lại lao lên đoạn đồi núi phân đôi Đại Tây dương và Thái Bình Dương. Có vô số những con lạch nhỏ ở vùng núi này, nên tàu buộc phải đi theo tuyến Muddy Creek, Green Creek và nhiều lạch khác.


Passepartout ngày càng mất kiên nhẫn trên đường di chuyển, trong khi Fix nóng lòng hi vọng họ sẽ mau chóng thoát khỏi vùng đất khó chiều này, thậm chí còn bồn chồn hơn bản thân Phileas Fogg trước các nguy cơ trì hoãn hoặc tai nạn, để đặt chân lên địa phận Anh quốc.


Mười giờ đêm tàu dừng tại ga Fort Bridger, rồi chuyển bánh ngay sau hai mươi phút vào Địa hạt Wyoming nối ngay sau thung lũng Bitter Creek. Hôm sau mồng bảy tháng 12 tàu dừng mười lăm phút ở ga Sông Xanh. Tuyết bắt đầu rơi liên tục từ hồi đêm, nhưng do hoà cùng mưa nên đã tan một nửa và không gây cản trở cuộc hành trình gì mấy. Thế nhưng thời tiết xấu vẫn khiến Passepartout lên cơn khó ở; chỉ cần tuyết tích lại bám cứng vào thành bánh xe là đủ huỷ hoại toàn bộ nỗ lực trước giờ của ngài Fogg.


“Tuyệt thật đấy!” Anh chàng lầm bầm. “Sao ông chủ lại đi chuyến này vào đúng mùa đông chứ? Ngài ấy không thể đợi đến mùa thuận lợi để được nhiều cơ may hơn hay sao?”


Khi anh chàng người Pháp trung thành chú mục vào tình trạng của trời đất và sự thất thường của nhiệt độ, Aouda lại cảm thấy nhiều nỗi lo ngại hơn đến từ một nguyên nhân khác hẳn.


Dăm hành khách đã xuống ở ga Sông Xanh để dạo bước trong khi chờ tàu lửa khởi hành; và Aouda đã nhận ra đại tá Stamp Proctor giữa số hành khách đó – chính tay người Mỹ đã xúc phạm Phileas Fogg một cách ghê tởm trong cuộc mít tinh ở San Francisco. Bị xúc động mạnh và không muốn bị phát hiện, nàng thiếu phụ trẻ né mình khỏi cửa sổ. Nàng đã quá gắn bó với người đàn ông tuy lạnh lùng nhưng lại đối xử với nàng bằng lòng tận tâm tuyệt đối nhất này. Có lẽ nàng không thấu cảm được hoàn toàn thứ cảm xúc sâu lắng mà người ân nhân gợi lên trong nàng – thứ cảm xúc mà nàng gọi là lòng biết ơn. Nhưng rõ ràng là thứ cảm xúc đó đã vượt quá niềm cảm kích thông thường dù nàng không ý thức được điều đó. Trái tim nàng trĩu nặng khi nàng nhận ra người đàn ông ngài Fogg muốn chạm trán sớm muộn. Sự tình cờ nào đã đưa Đại tá Proctor lên chuyến tàu này? Nhưng nếu ông ta đã ở đây, thì phải ngăn chặn sự đụng độ của họ bằng mọi giá!


Aouda tranh thủ lúc ngài Fogg chợp mắt để báo cho Fix và Passepartout biết tình hình.


“Tay Proctor đó trên chuyến tàu này!” Fix thốt lên. “Ồ, bà cứ yên tâm, thưa bà; trước khi làm rõ chuyện với ngài Fogg, hắn phải giải quyết với tôi cái đã! Tôi mới là người bị xúc phạm nặng nề nhất!”


“Với cả tôi nữa,” Passepartout thêm vào, “có là đại tá thì tôi cũng bất chấp.”


“Ngài Fix à,” Aouda nhẹ giọng, “Ngài Fogg sẽ không để bất cứ ai trả thù thay ngài ấy đâu. Ngài ấy đã nói rằng ngài ấy sẽ quay lại Mỹ để tìm người đàn ông này. Nếu nhận ra Đại tá Proctor, chúng ta sẽ không thể ngăn chặn một cuộc đấu tay đôi có thể dẫn đến những kết quả tôi tệ. Chúng ta không thể để họ gặp nhau.”


“Bà có lý, thưa bà,” Fix đáp. “Một cuộc đấu sẽ làm hỏng mọi sự. Dù thắng hay thua, chuyến đi cũng sẽ bị lỡ dở, và…”


“Và,” Passepartout tiếp lời, “điều đó chỉ làm lợi cho mấy quý ông ở câu lạc bộ Cải Cách mà thôi. Chúng ta sẽ đến New York trong bốn ngày nữa. Vậy nếu bốn ngày tới ông chủ không rời khoang tàu, chúng ta có thể hi vọng trong trường hợp này ngài ấy sẽ không giáp mặt với tay người Mỹ đáng nguyền rủa đó. Chúng ta phải tìm cách ngăn mọi thứ rối tinh mù lên.”


Cuộc bàn bạc bị bỏ lửng. Ngài Fogg đã dậy và đang nhìn ra cửa sổ. Sau vài phút Passepartout, tránh không để chủ nhân và Aouda nghe thấy, thậm thụt với viên thám tử, “Anh thật sự làm mọi điều vì ông chủ tôi?”


“Tôi sẽ làm bất cứ điều gì,” Fix đáp với tông giọng kiên quyết nhưng phật ý vì bị nghi ngờ, “để lôi ông ta còn sống trở về châu Âu!”


Passepartout cảm thấy lạnh sống lưng, nhưng lòng tin của anh vào ông chủ vẫn không mảy may sứt mẻ.


Có cách nào giữ chân ngài Fogg trong khoang riêng để tránh đụng mặt với tay đại tá? Đó không hẳn là việc quá thách thức, vì quý ông này có thiên tính ổn định và ít tò mò. Ít nhất viên thám tử có vẻ đã tìm được một cách hay; vì một lúc sau, anh ta bắt chuyện với ngài Fogg, “Những giờ ngồi xe lửa trôi qua thật là chậm chạp, ngài Fogg ạ.”


“Đúng,” ngài Fogg trả lời; “nhưng chúng vẫn qua đi.”


“Ngài có thói quen chơi bài whist nhỉ,” Fix tiếp tục, “trên tàu khách ấy.”


“Đúng vậy; nhưng ở đây thì khó. Tôi không có bài cũng không có người cùng chơi.”


“Ồ, bài thì dễ kiếm lắm, chúng được bán đầy trên khắp tàu thuyền Mỹ mà. Còn người chơi, nếu quý bà đây cũng chơi…”


“Tất nhiên rồi, thưa ngài,” Aouda nhanh chóng đáp lại. “Tôi hiểu luật chơi bài whist. Đó là một phần trong chương trình giáo dục của Anh.”


“Cá nhân tôi tự thấy mình cũng không đến nỗi. Vậy là, có ba chúng ta, với một anh ngốc…”


“Như ý ngài.” Phileas Fogg trả lời, hết mực bằng lòng khi trở lại với thú vui giết thời gian ngài ưa thích.


Passepartout vội vã chạy đi kiếm người quản tàu, và nhanh chóng trở lại với hai bộ bài đầy đủ, một ít thẻ đánh bạc, phiếu tính điểm, và một mặt bàn bọc vải.


Cuộc chơi bắt đầu. Aouda nắm vững cách chơi bài whist một cách ấn tượng, và thậm chí còn nhận được vài lời khen ngợi từ ngài Phileas Fogg khó tính. Còn như viên thám tử, anh ta đơn giản là đủ thạo để cân bằng ván bài với bạn cùng chơi.


“Giờ thì,” Passepartout nghĩ thầm, “chúng ta đã giữ được chân ngài ấy. Ngài ấy sẽ không nhích đi một phân.”


Mười một giờ trưa đoàn tàu đến điểm chia nguồn nước đổ ra đại dương ở Bridger Pass, bảy ngàn năm tram hai mươi tư bộ trên mực nước biển – một trong những điểm cao nhất trên đường ray vượt dãy núi Rocky. Sau khi đi được tầm hai trăm dặm nữa, cuối cùng hành khách cũng tới những vạt đồng bằng trải dài tới tận Đại Tây Dương – vùng đất trù phú rất hợp trải đường ray.


Trên triền dốc của dãy núi nối với lưu vực Đại Tây Dương, người ta đã có thể thấy những dòng sông nhỏ đầu tiên, hoặc những nhánh phụ của sông North Platte. Toàn bộ chân trời từ hướng bắc tới hướng đông được bao quanh bởi những bức thành bán nguyệt bao la – một phần của dãy phía nam của dãy Rocky, với đỉnh cao nhất là Laramie Peak. Ngăn giữa đường ray và dãy núi là một vạt đất đồng bằng mênh mông, chằng chịt những nhánh sông nước. Phía bên phải là triền núi thoai thoải lao xuống phía nam đến tận ngọn nguồn song Arkansas – một trong những nhánh song lớn nhất xứ Missouri.


Vào lúc mười hai rưỡi hành khách thoáng thấy đồn Halleck trấn giữ địa hạt này; chỉ vài tiếng nữa thôi họ sẽ bỏ xa dãy núi Rocky. Vậy là có lí do chính đáng để hi vọng chuyến đi xuyên đất nước đỏng đảnh này sẽ được hoàn tất mà không đụng bất cứ trở ngại hay tai nạn nghiêm trọng nào. Tuyết đã ngừng rơi, không khí trở nên khô hanh lạnh giá. Những đàn chim lớn vụt bay khi tiếng động cơ tàu rền rĩ. Không một con thú hoang nào xuất hiện. Đồng trống hoang vắng.


Sau bữa sáng thịnh soạn trong khoang riêng, ngài Fogg và bạn đồng hành lại trở về với cuộc bài whist, thì đột nhiên một tiếng còi réo dài dữ dội vang lên và đoạn tàu dừng bánh. Passepartout thò đầu ra cửa sổ, nhưng không nhìn thấy bất cứ chướng ngại nào; nhưng họ cũng chưa đến ga.


Aouda và Fix chỉ sợ ngài Fogg sẽ nghĩ đến chuyện ra khỏi xe lửa; nhưng quý ông đó thoả mãn với việc ra lệnh cho gia nhân, “Đi xem có chuyện gì.”


Passepartout lao ra khỏi toa. Ba hoặc bốn mươi hành khách đã tụ tập lại, trong số đó có cả đại tác Stamp Proctor.


Đoàn tàu phanh gấp trước biển báo đỏ ngăn đường. Viên kĩ sư và tay lái tàu đang tranh luận với người gác đường chịu trách nhiệm ở ga tàu Medicine Bow – điểm dừng tiếp theo. Hành khách bu đông bu đỏ xung quanh cuộc tranh cãi, bao gồm cả đại tá Proctor đang lớn tiếng cao giọng hách dịch.


Passepartout nhập vào đám người và nghe thấy người gác đường nói, “Không! Các ông không thể qua! Cầu đường Medicine Bow đã lung lay và sẽ không chịu nổi sức nặng của đoàn tàu.”


Đó là một cây cầu treo bắc ngang vài đoạn ghềnh, cách chỗ đoàn tàu dừng bánh độ một dặm. Theo như người gác đường, nó đã lâm vào tình trạng hư hỏng, vài sợi thép đã đứt; và không đáng để đánh cuộc bằng tính mạng của hành khách. Ông ta không hề nói quá về tình cảnh của cây cầu. Dân Mỹ thường quá khinh suất trong những chuyện đáng lẽ phải thận trọng.


Passepartout, không dám quay đầu về báo cáo với ông chủ, nghiến răng đứng đó lắng nghe như một bức tượng nặng nề.


“Hừm!” Đại tá Proctor gầm gừ; “nhưng chúng ta sẽ không chôn chân ở đây để mọc rễ trong tuyết đấy chứ?”


“Đại tá,” người lái tàu đáp, “chúng tôi đã điện báo cho Omaha yêu cầu một xe lửa, nhưng có vẻ nó cần ít nhất sáu tiếng đồng hồ để đến Medicine Bow.”


“Những sáu tiếng!” Passepartout thốt lên.


“Hẳn vậy,” viên lái tàu đáp lại, “với lại chúng ta cũng cần ngần đó thời gian để cuốc bộ đến Medicine Bow.”


“Nhưng nó chỉ cách đây có một dặm thôi cơ mà,” một hành khách lên tiếng.


“Đúng thế, nhưng nó ở bờ sông bên kia cơ.”


“Chúng ta không thể vượt sông bằng thuyền à?” Đại tá hỏi.


“Không thể nào đâu. Nước sông dâng lên do mưa dài. Nước đang lên nhanh lắm, nên chúng ta phải đi đường vòng, khoảng mười cây về hướng bắc, để tìm khúc sông cạn.”


Viên đại tá nhả một tràng chửi rủa như tát nước, nguyền rủa cả công ty đường sắt và viên lái tàu; còn Passepartout, giận đỏ mặt mũi, cũng hùa theo ông ta. Đây là loại thách thức không thể mua nổi bằng tiền.


Nói chung hành khách cùng cảm thấy thất vọng, không phải vì tàu đình chỉ, mà vì họ chuẩn bị phải đương đầu với một cuộc đi bộ cực nhọc dài tận mười lăm dặm giữa thời tiết tuyết rơi dày. Họ càu nhàu phản đối, và lẽ ra sự ầm ĩ đó đã đả động đến Phileas Fogg nếu ngài không quá tập trung vào ván bài.


Passepartout biết rằng anh không thể che giấu sự thật với ông chủ, và đương lúc anh đang cúi gằm đầu lê bước về khoang xe, thì viên kĩ sư tàu hoả, một người Mỹ gộc tên là Foster, lên tiếng, “Các quý ông, có lẽ có cách khác để qua sông đấy.”


“Qua đường cầu?” Một hành khách hỏi.


“Bằng cầu.”


“Trên đoàn tàu này?”


“Chính vậy.”


Passepartout giật sững lại và chăm chú lắng nghe viên kĩ sư.


“Nhưng chiếc cầu không an toàn.” Người lái tàu cự nự.


“Chẳng sao cả,” Foster trả lời ; “tôi nghĩ rằng lao qua cầu với tốc độ lớn nhất thì có thể có cơ may qua được.”


“Quái quỷ!” Passepartout lầm rầm.


Nhưng khá nhiều hành khách bị thu hút bởi đề nghị đó; đại tá Proctor thậm chí còn đặc biệt hào hứng và cho rằng kế hoạch táo bạo đó rất khả thi. Ông ta kể chuyện về những kĩ sư lao tàu qua những con sông không cầu bằng cách ép động cơ làm việc hết công suất; và rốt cuộc những người liên quan đều ủng hộ ý kiến của anh thợ máy.


“Chúng ta có 50% cơ hội vượt qua thành công,” một người nói.


“Tám mươi! Chín mươi!”


Passepartout sững sờ, và, mặc dù sẵn sàng thử bất kì cách gì để vượt qua Medicine Creek, anh lại thấy cách đó có phần hơi mạo hiểm đặc Mỹ quá. “Với cả,” anh nghĩ, “chắc vẫn còn cách đơn giản hơn chứ, nhưng vấn đề là chẳng ai chịu động não cả! Thưa ngài,” anh bắt chuyện với một hành khách, “kế hoạch của anh kĩ sư có vẻ khá nguy hiểm, nhưng…”


“Tám mươi phần trăm cơ hội!” Ông hành khách đáp trả và quay lưng về phía anh.


“Tôi biết lắm,” Passepartout quay sang với một hành khách khác, “nhưng tôi chỉ là nghĩ….”


“Nghĩ ngợi vô ích thôi,” hành khách người Mỹ trả lời và nhún vai, “anh kĩ sư đã đảm bảo là chúng ta sẽ vượt được mà.”


“Thực là vậy,” Passepartout vẫn kiên trì, “chúng ta có thể qua, nhưng có lẽ cần thận trọng hơn….”


“Cái gì! Thận trọng!” Đại tá Proctor gằn lớn, có vẻ giãy nảy khi nghe thấy từ này. “Tốc độ tối đa, anh không nghe à? Tốc độ tối đa!”


“Tôi có nghe…tôi thấy là..” Passepartout lặp lại, “không phải thận trọng hơn nếu ngài không ưng từ đó, nhưng sẽ là tự nhiên hơn…”


“Ai đấy! Cái gì lôi thôi đấy! Cái anh chàng này có vấn đề quái gì thế?” dăm người bàn tán ầm ĩ.


Anh chàng thật thà tội nghiệp không còn biết phải trình bày với ai nữa.


“Anh sợ à?” Đại tá Proctor hỏi.


“Tôi sợ? Tốt lắm; tôi sẽ chứng minh với mọi người rằng người Pháp cũng có thể liều lĩnh như một người Mỹ thực thụ!”


“Lên tàu nào!” Người lái tàu hét.


“Lên xe lửa!” Passepartout ngay lập tức lặp lại. “Nhưng họ không thể ngăn tôi nghĩ đến việc hành khách nên qua cầu trước rồi để đoàn tàu lao qua sau!”


Nhưng chẳng ai thèm lắng nghe ý kiến khôn ngoan đó, hay muốn thừa nhận nó đúng đắn. Hành khách trở về khoang của họ trên tàu. Passepartout về chỗ ngồi mà không thuật lại một chữ nào. Những tay bài whist quá tập trung vào cuộc chơi.


Đầu tàu lửa hú một tiếng dài rung động; viên kĩ sư dốc hơi cho đoàn tàu lùi về sau gần một dặm để lấy đà cho cú nhảy dài như một con châu chấu. Rồi, với một tiếng còi kéo dài khác, anh ta bắt đầu cho tàu tiến lên; đoàn tàu dần tăng tốc, và mau chóng đạt đến tốc độ kinh hồn; một tiếng rít dài réo từ đầu máy; pít tông quay đến hai mươi vòng một giây. Họ thấy rằng cả đoàn tàu lao thẳng đến phía trước với tốc độ cả trăm cây một giờ mà không chệch đường ray lấy một phân.


Họ qua được thật! Đoàn tàu băng qua như một tia chớp. Không ai nhìn thấy cây cầu. Có thể nói là đoàn tàu nhảy từ bờ này sang bờ kia sông, và viên kĩ sư không thể dừng nổi nó cho đến khi họ vượt quá ga năm dặm. Nhưng tàu đã vượt sông một cái thần kì, còn cây cầu thì vỡ nát tan tành và chìm nghỉm trong dòng Medicine Bow.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét