Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

[80 ngày vòng quanh thế giới] Chương 29

Chương 29: Cuộc hội ngộ tình cờ đi kèm tai nạn


Đoàn tàu tiếp tục hành trình vượt qua Đồn Saunders, lướt khỏi lạch Cheynne và đến lạch Evans không chút gián đoạn. Đây là điểm cao nhất của tuyến đường, tám ngàn không trăm chín mươi hai bộ trên mực nước biển. Hành khách giờ chỉ còn cần Đại Tây Dương qua vùng đồng bằng vô hạn bị thiên nhiên san phẳng. Một nhánh của “đại hải” dẫn về phía nam tới Denver, thủ phủ của Colorado. Đó là một đất nước giàu vàng thừa bạc với dân số vượt quá năm mươi ngàn.


Vậy là trong ba ngày ba đêm tàu đã cách San Francisco một ngàn ba trăm tám mươi hai dặm; thêm một ngày một đêm nữa là họ sẽ có mặt ở New York. Phileas Fogg vẫn chưa bị chậm trễ chút nào.


Tàu chạy qua trại Walbach trong đêm; con lạch Lodge Pole chạy song song với đường ray, phân cách hai địa phận Wyoming và Colorado. Họ đến Nebraska lúc mười một giờ, qua Sedgewich, rồi vào đến Julesburg cạnh nhánh sông phía nam của sông Platte.


Chính ở đây Tập đoàn Công ty Đường Sắt Thái Bình Dương đã được khánh thành vào ngày hai mươi ba tháng mười năm 1867 bởi kĩ sư trưởng Đại tá Dodge. Hai đầu máy mạnh mẽ, mỗi đầu kéo theo chín khoang xe chở đầy khách mời, trong số đó có cả Thomas C.Durant – phó chủ tịch công ty Đường Sắt, đã dừng ở chính điểm này; mọi người tung hô chúc mừng, người Sioux và Pawness tái hiện lại một cuộc chiến Ấn Độ, pháo hoa phóng rực rỡ, và số đầu tiên của tuần báo Đường Sắt Tiên Phong được một nhà báo kí sự in ra ngay trên tàu. Đó chính là lễ khánh thành tuyến đường sắt vĩ đại vắt ngang sa mạc – một công cụ đại diện cho tiến bộ và văn minh nối kết những thành phố và những thị trấn còn chưa xuất hiện. Tiếng còi réo của đầu máy xe lửa, mãnh liệt hơn cả tiếng tù và của Amphion, chính là tiếng hò kiêu ngạo từ đất Mỹ.


Tám giờ sáng tàu đã qua đồn McPherson, và trước mặt còn ba trăm năm mươi bảy dặm nữa cần được hoàn thành để đến Omaha. Đường ray chạy uốn lượn theo đường cong thất thường phía bên trái nhánh hướng nam sông Platte. Lúc chín giờ tàu dừng ở một thị trấn trọng yếu thuộc bắc Platte, được xây giữa hai nhánh sông tách đôi, và hợp lại thành một dòng lớn ở trên Omaha một chút. Nước dòng này hoà chung với dòng Missouri.


Họ đã vượt qua một trăm linh một kinh tuyến.


Ngài Fogg và bạn đồng hành vẫn tiếp tục cuộc chơi; không ai – ngay cả chàng ngốc – phàn nàn về chuyện đường dài. Fix đã bắt đầu thắng được dăm đồng ghi-nê vốn tưởng là sẽ mất; nhưng anh ta tỏ ra là tay chơi say mê chẳng kém gì ngài Fogg cả. Suốt sáng đó vận khí rất ưu ái quý ông Phileas Fogg. Ngài liên tục bắt được quân át và quân hoàng gia.


Nhưng, vừa định đi một nước bài táo bạo với quân bích, một giọng nói vang lên từ phía sau ngài, “Tôi thì sẽ đánh quân rô.”



Ngài Fogg, Aouda, và Fix ngẩng đầu lên. Đó là đại tá Proctor.


“A! Ra là ông à, ông người Anh?” Viên đại tá thốt lên; “chính ông định đánh quân bích!”


“Và tôi sẽ đánh quân đó.” Phileas Fogg đáp, ném xuống bàn lá mười bích.


“Ờ, tôi thì sẽ đến quân rô.” Đại tá Proctor đáp bằng giọng xấc xược.


Ông ta làm điệu bộ như muốn túm lại quân bài vừa được ném xuống và nói thêm, “Ông chẳng hiểu quái gì về whist cả.”


“Có lẽ là có đấy, cả những trò khác nữa,” Phileas Fogg nói và đứng dậy.


“Tuỳ ông đấy, nếu ông tính thử, con của John Bull.” Đại tá hất hàm.


Gương mặt Aouda tái xanh và máu như đông lại. Nàng siết lấy cánh tay của ngài Fogg và nhẹ nhàng kéo ngài ngồi xuống. Passepartout, mắt dán chặt vào địch thủ, đã sẵn sàng lao vào quần lộn với tay người Mỹ. Nhưng Fix đã đứng dậy và chắn trước mặt Đại tá Proctor, nói, “Ông quên tôi mới là người ông cần giải quyết mọi chuyện cho ra nhẽ à, thưa ông; ông không chỉ sỉ nhục tôi mà còn đánh tôi nữa!”


“Ngài Fix,” ngài Fogg nói, “thứ lỗi cho tôi, nhưng đây là chuyện riêng của tôi. Khi khăng khăng rằng việc đánh con bích là sai lầm, ông đại tá đã sỉ nhục tôi một lần nữa, và ông ta sẽ phải giải thích thoả đáng với tôi.”


“Ông muốn lúc nào và ở đâu cũng được hết,” tay người Mỹ đáp trả. “Với bất cứ loại vũ khí nào ông ưng.”


Aouda cố gắng níu ngài Fogg lại nhưng vô ích; ngai cả viên thám tử tìm cách lôi kéo cuộc tranh cãi về phần mình cũng không xong. Passepartout ước gì có thể ném tay đại tá ra khỏi cửa sổ, nhưng một dấu hiệu từ ông chủ đã ngăn anh lại. Phileas Fogg rời khoang cá nhân, tay người Mỹ theo sau. “Thưa ông,” ngài Fogg nói với địch thủ, “Tôi đang phải trở về châu Âu gấp, và bất cứ chậm trễ nào cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi của tôi.”


“Ờ, chuyện đó thì liên quan gì đến tôi?” Đại tá Proctor trả lời.


“Thưa ông,” ngài Fogg tiếp tục, thái độ vô cùng lịch sự, “sau cuộc chạm trán giữa chúng ta ở San Francisco, tôi đã quyết sẽ trở lại Mỹ để tìm ông ngay khi xong việc ở Anh quốc.”


“Thật đấy à!”


“Ông có thể cho tôi cái hẹn sáu tháng không?”


“Sao không phải mười năm luôn đi?”


“Tôi nói là sáu tháng,” Phileas Fogg nhắc lại; “và tôi sẽ có mặt ở chỗ hẹn đúng hạn.”


“Đây là trò thoái thác thì có,” Stamp Proctor chế nhạo. “Bây giờ hoặc không bao giờ!”


“Được thôi. Ông đang đến New York?”


“Không.”


“Chicago?”


“Không.”


“Hay Omaha?”


“Mấy chỗ đó thì khác quỷ gì chứ? Ông biết Plum Creek không?”


“Không.” Ngài Fogg đáp.


“Đó là ga tiếp. Tàu sẽ đến nơi trong vòng một tiếng nữa, và dừng ở đó mười phút. Mười phút cũng thừa sức bắn vài viên đạn rồi.”


“Tốt lắm.” Ngài Fogg nói. “Tôi sẽ xuống ở Plum Creek.”


“Và tôi tin ông sẽ phải ở lại luôn đấy,” tay người Mỹ chêm vào ngạo nghễ.


“Ai biết được?” ngài Fogg đáp và trở về khoang riêng, bình tĩnh như thường lệ. Ngài bắt đầu trấn an Aouda, bảo đảm với bà rằng những kẻ huyênh hoang chẳng có gì đáng gờm cả, và yêu cầu Fix làm người chứng khiến cuộc đấu tay đôi. Fix không thể từ chối. Ngài Fogg thản nhiên tiếp tục ván bài bị gián đoạn một cách hoàn toàn bình thản.


Mười một giờ còi đầu máy xe lửa thông báo rằng họ đang tiến vào ga Plum Creek. Ngài Fogg đứng dậy ra bậc cấp để xuống tàu, Fix theo ngay đằng sau. Passepartout hộ tống bên cạnh với một cặp súng lục. Aouda ngồi lại toa trong tình trạng nhợt nhạt như một xác chết.


Cánh cửa khoang tiếp theo bật mở, đại tá Proctor xuất hiện trên bậc cấp, theo sau là một tay yankee gân guốc làm chứng riêng của ông ta. Nhưng hai địch thủ vừa định bước xuống tàu thì viên lái tàu vội vã gào lên, “Đừng xuống, các quý ông!”


“Tại sao không?” Đại tá hỏi.


“Chúng ta trễ hai mươi phút nên tàu sẽ không dừng đâu.”


“Nhưng tôi đang chuẩn bị quyết đấu tay đôi với quý ông này.”


“Rất tiếc,” viên lái tàu nói; “nhưng chúng ta phải đi ngay lập tức. Chuông réo bây giờ đây.”


Đoàn tàu bắt đầu lăn bánh.


“Tôi thực sự rất lấy làm tiếc, các quý ông,” viên lái tàu nói. “Trong các tình huống khác tôi sẽ chẳng ngăn cản các ngài làm gì. Nhưng dù sao nếu đã không kịp đấu ở đó, sao các ngài không đấu luôn ở đây?”


“Tôi thấy quý ông đây chẳng ưng việc đó lắm đâu.” Viên đại tá bôi giọng chế nhạo.


“Việc đó hoàn toàn ổn với tôi.” Phileas Fogg đáp.


“Chà, thì chúng ta đang ở đất Mỹ,” Passepartout nghĩ, “và tay lái tàu đúng là một quý ông hạng nhất đấy!”


Anh chàng tự nhủ khi theo chân chủ nhân.


Hai đối thủ cùng hai người làm chứng của họ và viên lái tàu vượt hết các khoang ra phần đuôi tàu. Khoang cuối chỉ có mươi mười hai hành khách, và viên lái tàu đã lịch thiệp đề nghị họ vui lòng rời khoang trong dăm bảy phút đồng hồ, vì “hai quý ông đáng kính đây cần một nơi riêng tư để giải quyết một vấn đề danh dự.” Hành khách rất vui vẻ đồng ý, và mau mắn rời khoang.


Khoang tàu dài khoảng năm mươi bộ này rất thích hợp với chủ đích của họ. Mỗi đối thủ có thể đứng một đầu khoang và dễ dàng bắn nhau thoả thích. Chưa từng có một cuộc đấu tay đôi vì danh dự nào được sắp xếp lẹ làng hơn. Ngài Fogg và Đại tá Proctor, mỗi người trang bị một cặp súng lục với ổ quay 6 viên, bước vào toa. Những nhân chứng đứng ngoài. Họ sẽ bắt đầu bắn ngay lúc hồi còi đầu tiên của đầu máy xe lửa cất lên. Sau độ hai phút, người ta sẽ kéo từ toa ra những phần còn lại của hai người đàn ông phong nhã đó.


Không điều gì đơn giản hơn. Thực vậy, chính vì nó quá đơn giản mà Fix và Passepartout thấy tim họ đập như thể muốn rớt ra ngoài. Họ vừa nghe được hồi còi huýt vang trên đầu xong thì đột ngột những tiếng khóc thất thanh kéo đến – nhưng chắc chắn là không phải truyền ra từ khoang tàu đóng kín của hai địch thủ. Tiếng khóc thét vang dội từ đầu này đến đầu kia đoàn tàu. Chúng vang từ trong các toa của xe lửa.


Đại tá Proctor và ngài Fogg, súng lục đã lên đạn trong tay, vội vã lao khỏi khoang tàu kín và vọt về phía tiếng la hét dữ dội. Họ nhanh chóng biết được rằng đoàn tàu đang bị tấn công bởi một băng người Sioux.



Đây chẳng phải lần đầu đám người da đỏ gan cóc tía này cố cướp chặn xe lửa. Phải đến một trăm kẻ quen việc thạo nghề nhảy lên các bậc cấp của đoàn tàu vẫn chạy một cách dễ dàng như một thằng hề nhảy lên lưng một con ngựa đang phi nước đại.


Như báo cáo thì đám người Sioux trang bị sung trường, còn đa số hành khách cũng đã thủ sẵn súng lục, và đang nã đạn đáp trả lũ cướp.


Đám người da đỏ nhắm đến đầu máy đầu tiên. Người thợ máy và viên đốt lò đã bị chúng nện sống dở chết dở bằng chuỳ. Đầu lĩnh lũ Sioux muốn dừng tàu nhưng lại không biết điều khiển hệ thống tay gạt của bộ điều hoà, nên thay vì đóng thì hắn lại mở ống để hơi nước tràn vào, khiến cái đầu máy phóng về phía trước với tốc độ khủng khiếp.


Đám Sioux vừa chiếm các khoang tàu, vừa chạy rầm rầm trên nóc các toa như lũ khỉ lên cơn, vừa phi thân vào các khung cửa sổ, lại vừa phải xử lí những hành khách đang chống cự. Chúng thâm nhập vào khoang chứa hành lý để cướp bóc bằng cách tống tháo chúng ra khỏi đoàn tàu. Tiếng thét và tiếng súng vẫn giật liên tục. Các hành khách đã tự vệ một cách dũng cảm; một vài khoang dựng cả rào chướng ngại để duy trì cuộc vây đánh ở ngoài, hệt như những pháo đài di động được đầu máy kéo đi với tốc độ một trăm cây số một giờ.


Ngay từ đầu Aouda đã xoay sở hết sức can cảm. Nàng tự vệ như một nữ anh hùng với một khẩu súng lục: nàng bắn tới tấp qua những khung cửa kính vỡ mỗi khi thấy bóng dáng một kẻ man rợ nào xuất hiện. Hai mươi gã Sioux bị nã chết đã rơi xuống đường ray rồi bị bánh xe nghiến nát như những con sâu. Những hành khách bị thương hoặc ngất do choáng váng nằm la liệt khắp các ghế dài.


Việc dừng cuộc tranh đấu đã kéo dài hơn mười phút này hết sức cấp thiết, bởi nếu xe lửa không dừng lại thì chỉ lũ Sioux được lợi thôi. Ga Đồn Kearney, nơi có đồn binh Mỹ đóng, chỉ còn cách hai dặm; nhưng một khi đã vượt qua nó, lũ Sioux sẽ hoàn toàn làm chủ tàu trong khoảng thời gian tàu đi từ ga Đồn Kearney đến ga tiếp theo.


Viên lái tàu chiến đấu cạnh ngài Fogg đã bị bắn ngã. Ngay giây đó ông ta hét lên, “Chúng ta sẽ ra ma nếu không dừng kịp tàu trong năm phút nữa!”


“Nó sẽ dừng.” Phileas Fogg nói và chuẩn bị lao khỏi toa.


“Xin hãy ở lại, monsieur,” Passepartout hấp tấp; “Tôi sẽ đi.”


Ngài Fogg không kịp ngăn cản anh gia nhân thực thà dũng cảm vọt về cửa toa không bị lũ da đỏ đóng chiếm và thành công chuồn xuống gầm toa; và trong khi cuộc chiến tiếp tục và đạn dược vẫn lao vèo vèo trên đầu, anh chàng tận dụng kinh nghiệm xoay sở khéo léo với tốc độ nhanh nhẹn đáng kinh ngạc để di chuyển giữa các gầm toa, bám vào các xích nối toa, men theo những đường gờ bên các sườn toa, luồn lách từ toa này sang toa khác với một kĩ năng tuyệt diệu, và thành công đến được đầu máy.


Ở đó, một tay Passepartout bám lơ lửng giữa toa hành lý và toa than, một tay tháo chiếc xích an toàn; nhưng nếu không nhờ một chấn động mạnh, anh hẳn sẽ không thể gỡ nổi thanh sắt móc toa. Đoàn tàu giờ đã bị tách khỏi động cơ, trượt lại phía sau một chút, trong khi đầu máy rít lên rồi phóng đi với tốc độ quỷ thần.



Đoàn tàu còn trớn lăn thêm dăm phút đồng hồ do lực quán tính; nhưng thắng tàu đã kìm đoàn tàu lại, và nó dừng ngay khúc đường cách ga Kearney khoảng một trăm bộ.


Quân đồn trú gấp rút lao đến khi nghe tiếng súng nổ; lũ Sioux không chờ đợi điều này, và vội vã đánh bài chuồn trước khi đoàn tàu hoàn toàn dừng lại.



Nhưng khi các hành khách điểm danh lại sên sân ga, họ nhận thấy thiếu hụt khá nhiều, trong đó có cả anh chàng người Pháp dũng cảm vừa cứu họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét