Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

[80 ngày vòng quanh thế giới] Chương 33

Chương 33: Phileas Fogg thể hiện bản lĩnh của người luôn đứng cao hơn hoàn cảnh



Một tiếng sau đó chiếc Henrietta đã vượt qua ngọn hải đăng đánh dấu cửa sông Hudson, vòng qua mũi Sandy Hook và ra biển. Ngày đầu tiên nó chạy men theo đảo Long Island, vượt qua đảo Lửa, và thẳng tiến theo hướng đông. Trưa ngày tiếp theo, một người đàn ông leo lên cầu chỉ huy để xác định vị trí của tàu. Người ta nghĩ rằng đó là thuyền trưởng Speedy. Nhưng trật lất! Đó là Phileas Fogg. Còn về phần thuyền trưởng Speedy, ông ta đã bị nhốt trong buồng riêng với tầng tầng lớp lớp khoá xích, và đang gào thét một cách giận dữ.


Mọi chuyện xảy ra hết sức đơn giản. Phileas Fogg muốn đi Liverpool, nhưng viên thuyền trưởng sẽ không đời nào đưa ngài đến đó. Thế là Phileas Fogg chấp nhận chuyến đi đến Bordeaux, và, trong vòng ba mươi tiếng kể từ lúc đặt chân lên tàu, ngài đã dùng tiền khôn ngoan đến mức mua chuộc được toàn bộ đội thuỷ thủ và đội đốt lò về phe mình– những người chỉ làm hợp đồng ngắn hạn và không thực sự hoà thuận với viên thuyền trưởng cho lắm. Đây là lí do vì sao Phileas Fogg trở thành người chỉ huy thay vì thuyền trưởng Speedy; là lí do thuyền trưởng bị giam lỏng trong buồng riêng; và là lí do, nói cho đơn giản, vì sao chiếc Henrietta đổi hướng đi về Liverpool. Qua cách xoay sở chỉ huy tàu thì rõ ràng rằng ngài Fogg từng là một thuỷ thủ.


Kết cục của việc làm phiêu lưu của ngài Fogg xuất hiện tức thì. Aouda hết sức lo lắng, dù nàng không nói gì cả. Còn như Passepartout, anh chàng thật thà chỉ nghĩ rằng mưu kế của ngài Fogg thật hết sức tinh tường. Viên thuyền trưởng đã nói “từ mười một đến mười hai hải lý một giờ”, và chiếc Henrietta quả thực luôn giữ tốc độ này.


Nếu, luôn phải có những cái “nếu” này, biển không động quá dữ dội, nếu gió không đổi chiều sang hướng đông, nếu không có tai nạn nào xảy đến với chiếc tàu hay máy móc của nó, chiếc Henrietta có thể vượt ba ngàn dặm từ New York đến Liverpool trong chín ngày, từ ngày 12 đến ngày 21 tháng 12. Phải nói rằng khi cập đến, tình huống phức tạp trên tàu Henrietta, thêm cả vụ dây mơ rễ má với ngân hàng Anh quốc, sẽ có thể gây thêm ít nhiều khó khăn hơn ngài Fogg tưởng tượng hoặc mong muốn.


Những ngày đầu tiên hành trình rất tốt đẹp. Biển động nhẹ nhàng và gió ổn định theo hướng đông bắc, tất cả buồm đều được căng, và chiếc Henrietta lướt trên sóng hệt như một chiếc tàu khách vượt Đại tây Dương đích thực.


Passepartout hết sức vui mừng. Cách khai thác mọi tiềm năng trong khó khăn và sự bất chấp hậu quả của ông chủ hoàn toàn mê hoặc anh chàng. Đoàn thuỷ thủ chưa bao giờ thấy một chàng trai vui vẻ và lanh lẹ đến thế. Anh thiết lập mối quan hệ thân thiết với các thuỷ thủ, và khiến họ kinh ngạc bằng những màn nhào lộn ngoạn mục. Anh chàng nghĩ họ đã chăm sóc điều khiển chiếc tàu như những quý ông, và làm những người đốt lò thổi lửa tin rằng công việc của họ sánh ngang công việc của những vị anh hùng. Tính tình hài hước nhanh mồm lẹ miệng của anh lây sang tất cả mọi người. Anh chàng đã quên tiệt quá khứ, những cơn ưu phiền và những cuộc nguy khốn. Anh chỉ còn nghĩ đến cái đích cuối cùng đang gần tầm với lắm rồi; thỉnh thoảng anh chàng cũng nôn nóng như thể bị hun bởi cái ống khỏi của tàu Henrietta. Với cả anh cũng thường xuyên quanh quẩn quanh Fix với ánh nhìn ý tứ và nghi hoặc; nhưng anh không nói chuyện với viên thám tử, vì tình bạn than mật ngày cũ đã không còn tồn tại nữa.


Phải nói là Fix chẳng hiểu chuyện quỷ quái gì đang diễn ra nữa. Cuộc chinh phục tàu Henrietta, vụ hối lộ đoàn thuỷ thủ, việc Fogg quản tàu như một thuỷ thủ lành nghề khiến anh ta sốc tận óc nên đâm ra rối như tơ vò. Nhưng nói cho cùng thì một người đàn ông bắt đầu mọi sự bằng việc trộm năm mươi lăm ngàn bảng rất có khả năng kết thúc cuộc trình diễn bằng việc cướp tàu lắm; và như lẽ tự nhiên, Fix đâm tin rằng chiếc Henrietta dưới sự chỉ huy của Fogg chẳng hề đến Liverpool, mà đến một phần nào đó của thế giới nơi tay trộm – giờ đã là cướp biển – thản nhiên sống trong yên ổn. Công nhận là giả thuyết đó hết sức thuyết phục, và viên thám tử bắt đầu nghiêm túc hối hận rằng anh ta đã dấn thân vào chuyện này.


Còn về thuyền trưởng Speedy, ông ta vẫn tiếp tục gầm rú hút hét trong buồng riêng; và Passepartout can đảm – người có trách nhiệm giao bữa cho ông ta – luôn trong trạng thái đề phòng chặt chẽ. Ngài Fogg có vẻ còn chẳng buồn nhớ rằng có một ông thuyền trưởng trên tàu nữa.


Vào ngày 13 họ vượt qua mũi bờ Miền Đất Mới, một khu vực trắc trở; đặc biệt là trong mùa đông thường có sương mù dày đặc và cuồng phong dữ dội. Ngay đêm trước phong vũ biểu đột ngột rớt mức, báo hiệu áp suất không khí đang thay đổi; và suốt đêm đó nhiệt độ biến chuyển không ngừng, cái lạnh thấu buốt hơn, và gió đảo chiều thổi về hướng đông nam.


Quả là xui xẻo! Ngài Fogg, để tránh lệch khỏi lộ trình, ra lệnh cuốn hết buồm lên và tăng sức đẩy động cơ hơi nước; nhưng tốc độ của tàu vẫn chậm lại cho tình trạng mặt biển đang dao động bởi những cơn sóng dài đẩy ngược mũi tàu. Chiếc tàu rung lắc dữ dội nên máy móc bị ảnh hưởng nhiều. Gió lạnh từng chút một góp thành bão, và người ta sợ rằng chiếc Henrietta có khả năng không duy trì vững vàng được trước sóng bão.


Sắc mặt Passepartout tối tăm chẳng kém gì sắc trời lúc đó, và anh chàng thực thà tội nghiệp đã trải qua hai ngày trong tình trạng sợ hãi căng thẳng cao độ. Nhưng Phileas Fogg cừ như một lính thuỷ gan lì nhất, và ngài biết đương đầu với biển cả sao cho phù hợp; ngài vẫn giữ được lộ trình dự kiến mà không thiết đến việc giảm lực hơi nước. Chiếc Henrietta, nếu không thể lướt trên sóng biển thì nó đi xuyên qua, và dù boong tàu bị sóng quét, nhưng nó vẫn vượt qua an toàn. Chiếc tàu vẫn thẳng đường mà tiến.


Tuy nhiên gió lại không cuộn lên dữ dội như người ta sợ; nó không đủ để trở thành một trong những cơn bão lốc với tốc độ lên đến chín mươi dặm một giờ. Nó tiếp tục thổi đều, nhưng bất hạnh thay, vẫn theo hướng đông nam, khiến các cánh buồm trở nên vô dụng.


Ngày 16 tháng 12 là ngày thứ bảy mươi lăm kể từ lúc Phileas Fogg khởi hành từ London, và chiếc Henrietta vẫn chưa mắc phải chậm trễ gì nghiệm trọng cả. Một nửa hành trình đã trôi qua, những địa điểm tồi tệ nhất đã được khắc phục. Vào mùa hè họ chắc chắn sẽ thành công. Vào mùa đông, họ đành phó mặc vào lòng độ lượng của mẹ thiên nhiên. Passepartout không nói gì cả; nhưng anh bí mật ấp ủ hi vọng, và tự an ủi mình với suy nghĩ rằng, nếu gió khiến họ thất vọng, thì ít nhất động cơ hơi nước sẽ không làm vậy.


Ngày hôm đó kĩ sư tàu lên boong, diện kiến ngài Fogg và họ bắt đầu thảo luận sôi nổi. Không biết vì sao nhưng việc đó khiến anh có dự cảm không tốt, và anh mơ hồ thấy khó chịu. Anh thậm chí nghĩ muốn từ bỏ một cái tai để có thể nghe những điều viên kĩ sư đang nói. Cuối cùng anh chàng cũng xoay sở nghe lỏm được vài từ, và chắc chắn nghe thấy ông chủ của anh đã nói, “Ngài chắc chắn về việc ngài nói với tôi chứ?”


“Chắc chắn, thưa ngài.” Viên kĩ sư đáp lại. “Ngài phải hiểu rằng chúng ta đã liên tục giữ lửa lớn ở tất cả các lò kể từ lúc lên đường, và, kể cả nếu có đủ than đá duy trì hơi nước ở mức cao nhất đi từ New York đến Bordeaux, thì cũng không thể đủ để đi hết tốc lực từ New York đến Liverpool.


“Tôi sẽ xem xét.” Ngài Fogg trả lời.


Passepartout đã hiểu tất cả; nỗi bàng hoàng điếng người chiếm lấy tâm trí anh. Than đá đang cạn dần! “A, nếu ông chủ có thể vượt qua trở ngại này,” anh lẩm bẩm, “ngài ấy sẽ nổi như cồn!” Anh không thể kiềm được việc nhả ít lời cho Fix về điều anh vừa nghe được.


“Vậy là anh tin rằng chúng ta đang thực sự đến Liverpool?”


“Tất nhiên là thế.”


“Hừ hừ!” Viên thám tử trả lời, nhún vai và quay gót bỏ đi.


Passepartout đang ở điểm chuẩn bị bùng nổ với thái độ khó chịu của viên thám tử, điều anh cả đời cũng chẳng thể hiểu nổi; nhưng anh nghĩ rằng Fix vô phước chắc hẳn đang cảm thấy thất vọng và nhục nhã sau khi đeo đuổi một manh mối giả vòng quanh thế giới mà vẫn chưa đến đâu với đâu.


Giờ thì Phileas Fogg sẽ xử trí bằng cách nào? Thật khó mà tưởng tượng nổi. Nhưng dù sao ngài cũng đã quyết định, và đúng tối đó ngài cho gọi viên kĩ sư và nói với ông ta, “Cho lửa cháy mạnh hết cỡ cho đến khi cạn nhiên liệu.”


Chỉ mấy phút sau đó, ống khói của tàu Henrietta nôn từng đợt khói mạnh như mở đập thả lũ. Chiếc tàu tiếp tục với tốc độ tối đa; nhưng vào ngày 18, viên kĩ sư, như đã dự đoán, thông báo rằng chất đốt sẽ cạn nội trong ngày.


“Đừng để lửa giảm.” Ngài Fogg nói. “Giữ chúng cháy hết cỡ đến phút cuối. Nạp hết các nắp hơi.”


Đến chiều Phileas Fogg, sau khi đã xác định được vị trí của họ, gọi Passepartout và ra lệnh cho anh đến gặp thuyền trưởng Speedy. Điều đó chẳng khác gì vừa ra lệnh cho anh chàng thật thà đó đi tháo xích cho hổ đói cả. Anh đi về phía đuôi tàu và tự nhủ, “Ông ta sẽ lên cơn động kinh cho xem!”


Trong chớp mắt, với tiếng gào rú chửi rủa, một quả bom xuất hiện trên boong phía đuôi tàu. Quả bom đó là thuyền trưởng Speedy. Hiển nhiên là nó sắp nổ. “Chúng ta đang ở đâu?” là những từ đầu tiên ông ta thốt lên trong cơn giận dữ tột độ. Nếu bị trúng phong ngay lúc này, có thể ông ta sẽ không bao giờ hồi phục được khi đang ở đỉnh thỉnh nộ ấy.


“Chúng ta đang ở đâu?” Ông ta lặp lại với gương mặt tím tái.


“Cách Liverpool bảy trăm linh bảy dặm.” ngài Fogg trả lời, vẫn cung cách điểm nhiên không gì lay chuyển được.


“Đồ hải tặc!” thuyền trưởng Speedy thét.


“Tôi mời ngài đến đây, thưa ngài…”


“Tên khốn kiếp!”


“…thưa ngài,” ngài Fogg tiếp tục, “để đề nghị ngài bán tàu cho tôi.”


“Không! Không đời nào!”


“Nhưng tôi sẽ buộc phải đốt nó đấy.”


“Đốt chiếc Henrietta!”


“Đúng thế; ít nhất là phần trên của nó. Than đá cạn rồi.”


“Đốt tàu của tôi!” thuyền trưởng Speedy giận điên cuồng đến mức gần như không phát âm tử tế nổi nữa. “Chiếc tàu trị giá năm mươi ngàn đô la của tôi!”


“Đây là sáu mươi ngàn,” Phileas Fogg đáp, đưa cho viên thuyền trưởng một cuộn giấy bạc. Điều này tạo nên hiệu ứng phi thường với Andrew Speedy. Thấy sáu mươi ngàn đô la trước mặt mà không xúc động thì không phải người Mỹ. Viên thuyền trưởng nháy mắt quên mất cơn giận dữ, việc bị giam giữ và tất cả những định kiến chống lại các hành khách. Chiếc Henrietta đã hai mươi tuổi; đó là một vụ mua bán tuyệt vời. Nhưng quả bom chưa xịt ngòi hẳn. Ngài Fogg mới chỉ dập lửa thôi.


“Và tôi vẫn phải được nhận lại cái vỏ sắt,” viên thuyền trưởng nói với tông giọng thấp đi đôi chút.


“Vỏ bọc tàu và cả động cơ. Thoả thuận chứ?”


“Thoả thuận.”


Và Andrew Speedy, siết lấy cục tiền, đếm cẩn thận và nhét chúng vào túi trong.


Suốt cuộc hội đàm Passepartout trắng bệch như tờ giấy, và Fix trông như thể suýt bị một cơn xuất huyết não. Gần hai mươi ngàn bảng đã mọc cánh bay đi, và Fogg trả cái vỏ sắt lẫn động cơ cho viên thuyền trưởng – những thứ có giá trị gần bằng cả con tàu! Đúng là năm mươi lăm ngàn bảng bị trộm từ ngân hàng đây rồi!


Khi Andrew Speed đã nhét tiền vào túi, ngài Fogg nói với ông ta, “Đừng ngạc nhiên về chuyện này, thưa ông. Ngài phải biết rằng tôi sẽ mất hai mươi ngàn bảng nếu không kịp trở lại London lúc chín giờ kém mười lăm phút tối ngày 21 tháng 12. Tôi đã lỡ tàu khách ở New York, còn ngài lại từ chối đưa tôi đến Liverpool,…”


“Và tôi đã làm đúng!” Andrew Speedy thốt lên; “vì nhờ vụ này mà tôi kiếm được ít nhất bốn mươi ngàn đô la!” Ông ta nghiêm túc nói thêm, “này ông có biết không, thuyền trưởng…”


“Fogg.”


“Thuyền trưởng Fogg, ông có cái chất gì đó rất đặc Mỹ.” (*ở đây Andrew nói về chất “Yankee”, vừa có thể hiểu là “chất Mỹ”, vừa có thể hiểu là “lưu manh”)


Và, sau khi bỏ lại lời nhận xét mà ông ta cho rằng đó là lời khen, Speedy định rời khỏi thì ngài Fogg nói, “Giờ chiếc tàu thuộc về tôi?”


“Hẳn nhiên rồi, từ sống tàu đến đỉnh cột buồm, tất tật. Những phần bằng gỗ, vậy đấy.”


“Tốt lắm. Phá tất cả bàn ghế, rương tủ và khung sàn xuống, đốt chúng đi.”


Nhất thiết phải dùng số gỗ khô này để duy trì áp suất cho nồi hơi, và chỉ trong hôm đó đuôi tàu, cabin, giường, và cả boong dự phòng cũng bị hi sinh. Ngày tiếp theo, ngày 19 tháng 12, cột buồm, bè cứu hộ, và các cột trụ bị hạ xuống đem đốt hết; đoàn thuỷ thủ làm việc tối mặt để giữ lửa. Passepartout đốn, chẻ và cưa gỗ bằng tất cả ý chí. Cơn cuồng nhiệt hoàn hảo cho việc phá huỷ.


Lan can, tiện nghi, phần lớn boong tàu và tầng trên đã biến mất vào ngày 20, giờ chiếc Henrietta tàn tạ chỉ còn là một cái ụ nổi. Nhưng cũng chính hôm đó họ bắt gặp bóng dáng của bờ biển Ai Len và ngọn hải đăng Fastnet Light. Khoảng mười giờ đêm họ mới chỉ đang chạy qua Queenstown. Phileas Fogg chỉ còn hai mươi tư giờ nữa để trở về London; vậy đó là khoảng thời gian tối thiểu tàu cần đến Liverpool, với số nồi hơi hoạt động hết công suất. Thế mà hơi nước cũng sắp cạn!


“Thưa ông,” thuyền trưởng Speedy nói. Giờ ông ta có hứng thú sâu sắc tới dự định của ngài Fogg, “Tôi thật sự rất ái ngại cho ông. Mọi thứ đều chống lại ông. Chúng ta chỉ mới đang ở trước Queenstown.”


“À,” ngài Fogg nói, “nơi đèn toả sáng chính là Queenstown?”


“Đúng vậy.”


“Chúng ta vào cảng được không?”


“Mất không dưới ba tiếng đâu. Chỉ có thể vào lúc thuỷ triều lên cao.”


“Đợi.” ngài Fogg đáp bình tĩnh, không hề tỏ chút cảm hứng sôi nổi thể hiện nỗ lực muốn chinh phục vận rủi lần nữa.


Queenstown là một cảng Ailen mà các tàu khách vượt Đại tây Dương thường rẽ qua để thả thư và bưu kiện. Những thư từ bưu kiện này được giao tới Dublin bằng tàu siêu tốc luôn sẵn sàng 24/24; từ Dublin chúng được gửi đến Liverpool bằng tàu bè cao tốc, nhanh hơn những mười hai tiếng so với bất cứ tàu khách nào trên Đại Tây Dương.


Phileas Fogg cũng tính toán cướp lại mười hai tiếng theo cách đó. Thay vì cập bến ở Liverpool vào đêm hôm sau bằng chiếc Henrietta, ngài sẽ có mặt ở đó vào buổi chiều, và có cơ may về đến London trước cả chín giờ kém mười lăm phút tối.


Chiếc Henrietta vào cảng Queenstown lúc một giờ sang khi thuỷ triều bắt đầu lên; và Phileas Fogg, sau khi siết tay thuyền trưởng Speedy một cách chân thành, để lại quý ông nóng nảy đó trên cái xác thuyền trụi lủi vẫn còn đáng giá những một nửa số tiền ông ta bán được cho ngài Fogg.


Nhóm người xuống cạn ngay lập tức. Fix thèm muốn túm cổ ngài Fogg ngay lúc đó; nhưng anh ta đã không làm vậy. Tại sao? Mâu thuẫn gì đang đấu tranh trong anh ta chứ? Anh ta đã thay đổi cách nghĩ về người đàn ông đó? Anh ta nhận ra anh ta đã phạm phải một sai lầm to lớn? Tuy nhiên anh ta vẫn không bỏ mặc ngài Fogg. Tất cả bọn họ cùng lên tàu đang chuẩn bị xuất phát lúc một rưỡi; bình minh họ đã có mặt ở Dublin; và họ nhanh chóng lên một chiếc tàu hơi nước mạnh mẽ thậm chí còn không thèm chồng lên trước sóng biển mà cứ thể lao thẳng qua chúng.


Phileas fogg cuối cùng cũng đặt chân được lên cầu cảng Liverpool lúc mười hai giờ kém mười hai phút ngày 21 tháng 12. Giờ ngài chỉ còn cách London sáu tiếng đồng hồ.


Nhưng chính phút này Fix lao lên chặn đường ngài Fogg, đặt tay lên vai ngài Fogg và giơ lệnh bắt, nói, “Ngài thực sự là Phileas Fogg?”


“Chính tôi.”


“Nhân danh nữ hoàng, tôi bắt ông!”




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét