Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Tà Dương - Dazai Osamu



Khỉ thật….


Tôi lại đọc truyện ngược. Tà Dương của Dazai Osamu. Lại truyện Nhật. Và rồi lại tự khinh bỉ mình vì cái sở thích quái quỷ trước các thể loại bi kịch, đồng thời cũng cay nghiệt mà thừa nhận về mình cái sở thích ác độc của loài người nói chung bằng cái tâm châm biếm: ưa thích thưởng thức bi kịch của kẻ khác. Có lẽ tôi đã ý thức được sự xấu xa này trong mình từ lâu, chẳng qua tôi luôn che đậy nó bằng việc đọc những tác phẩm bi kịch đặc tính hàn lâm để khỏi phải tự chế giễu sự tầm thường của chính bản thân mình. Nhưng tôi, có lẽ, vẫn là người, và mặc dù kiêu ngạo đến mụ mị, tôi vẫn không muốn tự lừa dối mình bằng những quan niệm nhân đạo giả dối. Thế nên, ở chính quyển sách này đây, ở chính những dòng mở đầu cho thể loại ngược kinh điển kiểu Nhật, tôi chấp nhận bản thân mình là một kẻ bàng quan khi suy diễn về những nỗi đau của loài người và viết về nó bằng đôi mắt của kẻ ngoài cuộc.


Và tôi nghĩ tôi sẽ tàn nhẫn với quyển sách mỏng tang này. Nhất là sau khi tôi suy diễn miên man về cái chất phản-hiện-sinh kiểu Dazai – điều mà sau khi tôi thiếu suy nghĩ viết ra trong bài viết về Nhân Gian Thất Cách mà bây giờ tôi mới nhận ra, rằng tôi không có ý kiến gì về việc người khác viết rằng tác phẩm Nhân Gian Thất Cách mang màu sắc hiện sinh, trong khi, mẹ ki*p, nó hoàn toàn trái ngược với cái chủ nghĩa đem “tồn tại có trước bản chất” để khuyến khích con người sống cho ý nghĩa (và vì Chúa – ngay cả khi tôi không theo Đạo – nhưng khơi dậy những hoài nghi về sự trống rỗng thì giúp ích gì con người trong việc trở nên tốt đẹp hơn? Khi việc đó có nguy cơ gây ra sự suy sụp và lạc lõng nhiều hơn là đem lại tinh thần lạc quan?), bởi lẽ nếu thực sự “hiện sinh”, Dazai sẽ không tuyệt đường nhân vật của mình chỉ vì bị nhấn chìm hoàn toàn trong nỗi tuyệt vọng của kẻ mất tư cách làm người. Tôi không có ý phủ nhận chủ nghĩa hiện sinh, tôi chỉ muốn đặt ra câu hỏi cho những thế hệ mới cho rằng bản thân “cô độc, sâu sắc, lạc lõng” và ưa thích tính “bác học” của loại triết thuyết nghe rất kêu này rằng: liệu chủ nghĩa hiện sinh có thật sự tốt đẹp với con người, trong khi phần lớn người rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn của hiện sinh thường là không thoát ra nổi? Tôi cũng không hề định phủ nhận những tính chất hư vô có thực đó của con người đâu. Tôi chỉ muốn đính chính lại việc cho rằng “Nhân Gian Thất Cách” nói riêng và các tác phẩm của Dazai Osamu mang tính hiện sinh mà thôi. Thay vì hiện sinh, phải nói ông là nhà bi kịch phản hiện sinh thì đúng hơn.


Tà Dương cũng là một tác phẩm bi kịch phản hiện sinh kiểu kiểu như thế, và tôi cũng phải nói thẳng ra cái ý kiến cho rằng “sống hay không sống” nghe rất kêu mà nhiều người nhìn thấy trong các tác phẩm của Dazai là hơi…nông cạn, và có lẽ chính tôi cũng đã nông cạn như thế. Trong những tác phẩm đấu tranh với bản thân khác, tôi sẽ đồng ý câu hỏi “sống hay không sống” là có lý – nhưng ở tác phẩm này thì không. Với những người không hiểu Nhật Bản, cái “sống hay không sống” đó có vẻ đủ sâu sắc để diễn giải về một cuốn sách được khảo cứu và liệt vào dòng kinh điển như Tà Dương. Nhưng như cách cá nhân tôi hiểu về cái kiêu hãnh và đồng lòng kiểu Nhật, thì cái Tà Dương nói đến (hay tạo cảm giác cho tôi), phải là: hoặc kiên trinh giữ cái truyền thống cao quý của quý tộc Nhật mà chết, hay đầu hàng trước sự xâm lăng của cái mới để tiếp tục trầm luân trong bể khổ (tôi đang đặt mình vào Dazai nên tiêu cực thôi, bởi vì thực tế tôi hoàn toàn có thể nói rằng “đầu hàng trước những biến chuyển xã hội để tiếp tục sống, tiếp tục hi vọng vào tương lai hay những điều đại loại thế. Nhưng Dazai trong nhận thức của tôi là một nhà văn bi kịch hậu chiến, tuyệt vọng với chính mình và với thời cuộc, nên tôi sẽ không phân tích theo hướng có “ánh sáng cuối đường hầm” như vậy). Với cái tinh thần quý tộc Nhật, chết mới là cao quý, sống chỉ là để tăng thêm nỗi tủi nhục mà thôi. Thế nên sẽ không bao giờ, trong truyền thống quý tộc Nhật, có câu hỏi “sống hay không sống”, mà sự lựa chọn luôn luôn là “chết vì danh dự”. Thế nên, không hề có câu hỏi “sống hay không sống”, mà là “cả hai đều lựa chọn cái chết” – Naoji lựa chọn cái chết thể xác, Kazuko lựa chọn cái chết tinh thần. Thế là hai nhân vật này trở thành hai nhân vật biểu tượng: Naoji là biểu tượng của cái kiêu hãnh truyền thống của Nhật đã chết đi, và Kazuko là biểu tượng của cái đáng tủi hổ của kẻ thua trận đang chết dần chết mòn trong thời kì đồng hoá (như tôi nghĩ rằng từ cách nhìn của Dazai là Nhật sẽ không thể hồi phục được, chỉ có thể hạ cấp truyền thống để tồn tại mà thôi). Và giờ, tôi xin mạn phép, theo cách ngạo nghễ hết sức có thể, giải thích cách tôi muốn nghĩ về Tà Dương.


Nữ nhân vật chính kể bằng giọng “tôi”, đó chính là mẫu nhân vật mà người ta hay nói là kiên cường, vượt qua số phận các kiểu để tiếp tục sống. Nhưng như thế không có nghĩa là cô có tinh thần không đầu hàng cuộc sống mà chinh phục nó; trái hẳn, cô chính là mẫu đầu hàng thời thế điển hình trong tất cả những mẫu điển hình mà chúng ta có thể nhắc đến được. Xuất thân trong một gia đình quý tộc, nhưng sau chiến tranh, mọi giá trị truyền thống của kẻ chiến bại bị đặt dưới gót giày của những biến đổi thời đại, gia đình Kazuko nói chung cũng như những gia đình quý tộc khác nói riêng bị đẩy vào túng quẫn và lãng quên. Kazuko phải bắt đầu bước vào cuộc sống của những người tầm thường và lao động như những người dân khác bất chấp thân phận được sinh ra và đào tạo trong tinh thần của Đạo. Nếu chỉ đơn thuần sống và tồn tại không thôi, thì Kazuko cũng không phải có gì đặc biệt lắm. Chẳng qua cái “tiếp tục sống” của Kazuko đi liền với “Tình Yêu và Cách Mạng”. Nhưng tôi thì không hứng thú với “tình yêu” của Kazuko, vì tình yêu của cô không phải thứ tình yêu thực sự với thời đại mới, với con người mới. Cô chẳng hề yêu Uehara. Đó, có lẽ, là tình yêu dành cho tinh thần quý tộc cũ bị cô quyết tâm chôn vùi vào tàn tro của thời đại cũ, đồng thời là thứ tình yêu khiên cưỡng cô ép mình dành cho thời đại mới như một sợi chỉ bấu víu lấy cuộc sống. “Tình yêu” của cô đi cùng với “cách mạng” cá nhân cô. “Cách mạng đạo đức” của nữ nhân vật chính hoàn toàn không hề mang nghĩa tích cực – bởi đó là cái cách mạng hạ cấp đạo đức để đồng hoá bản thân vào thời kì xoay chuyển mới dưới vị thế của kẻ thua cuộc. Hãy nhìn vào cách cô lựa chọn người tình để xin một đứa con – chọn một kẻ đồi bại, hư hỏng, tai tiếng, thất vọng với thời cuộc và lạc lõng giữa lòng thời đại. Cô yêu Uehara bằng thứ tình yêu hạ mình và hèn kém, một thứ tình yêu cuồng dại hoà lẫn căm ghét – giống như cái cách cô lao vào thời đại mới bằng cách tự chôn vùi tư cách quý tộc bản thân để trở thành kẻ bần hàn.


Hoàn toàn không có chuyện cô “tuyên chiến với đạo đức cổ hủ xưa cũ” hay những điều đại loại thế. Thậm chí cô còn ôm ấp nó trong bóng hình người mẹ đang chìm dần vào quá khứ như bóng ma của một thời vinh quang mờ dần trong bóng tối. Việc cô lựa chọn cuộc cách mạng cá nhân để tìm đường đến cuộc sống mới chẳng qua, như tôi thấy, là cách Osamu châm biếm và đau xót cho những người thoả thuận với địa vị kẻ chiến bại và sống tiếp để chống mắt lên mà nhìn thời cuộc. Cả câu chuyện không hề có một lần cô tỏ ra khắc nghiệt hay phê phán những đạo đức cổ hủ của giới quý tộc xưa, cô chỉ tìm cách ép mình kháng cự lại nó mà thôi. Thực ra tôi không dám chắc Osamu có thực sự muốn để Kazuko “tuyên chiến với đạo đức cổ hủ xưa cũ” hay không, mà chỉ đơn thuần ở bức thư cuối cùng cô gửi cho người tình đồi bại của mình với câu “Cách mạng vẫn chưa tiến hành chút nào cả. Cần nhiều thêm nữa những nạn nhân cao quý và đáng thương. Cái đẹp đẽ nhất trong cuộc đời chính là nạn nhân”. Một mặt, câu nói này ngầm ám chỉ cái tinh thần quý tộc của Kazuko vẫn chưa hề mất đi, cũng như tinh thần dân tộc Nhật vẫn chưa hề mất đi: tinh thần cam chịu, nhẫn nhục, chấp thuận và trọng danh dự. Mặt khác ám chỉ rằng cuộc cách mạng nhận thức của con người cô nói riêng và dân tộc nói chung vẫn chưa hề có biến chuyển: tinh thần con người vẫn quá tự trọng để mà vượt qua cuộc cách mạng hạ thấp nhân phẩm cho phù hợp với địa vị của kẻ chiến bại.


Người ta có thể cho rằng Kazuko là “thế hệ đệm” giữa thời đại đầy biến động, giữa xã hội đang vận hành hay đại loại là một “ánh mặt trời” le lói mở đường cho tương lai của dân tộc Nhật. Nhưng với cá tính của Osamu, màu sắc trong truyện và đặc biệt là cách cô nhận mình là nạn nhân một cách hèn kém và nhận rằng đứa con trong bụng cô là đứa con hoang, tôi cho rằng Osamu muốn hướng người đọc đến cái Tà Dương lụi tàn của dân tộc, bóng đêm đang kéo đến trùm lên con người và dân tộc. Sự thoả hiệp là loại cách mạng nhục nhã duy nhất mà người Nhật có thể làm trong tình cảnh hậu chiến. Thế nên tương lai có lẽ cũng sẽ chỉ toàn con cháu của những kẻ thoả hiệp như vậy thôi: hoặc là “kiên cường” kiểu Kazuko, giãy đạp giữa lòng cuộc sống, hoặc như Uehara, hoàn toàn buông thả trong cuộc sống.


Nhân vật tôi thấy thinh thích hơn cả là nhân vật Naoji, bất chấp sự thật là nhân vật Kazuko mới là nhân vật nghệ thuật đại diện cho cuộc cách mạng cá nhân. Nhân vật Naoji giống nhân vật Yozo trong Nhân Gian Thất Cách một cách lạ thường, tuy rằng nhận thức về sự trống rỗng của cuộc đời và sự vô vọng của sự sống không phải đến từ ý thức cá nhân mà đến từ tác động của hoàn cảnh. Cậu là đứa con méo mó của hai tinh thần: tinh thần quý tộc cũ và tinh thần bần hàn mới. Đây là nhân vật mà, cũng như Yozo, chúa hay bị so sánh với những nhân vật hiện sinh kiểu Albert hay Paul Sartre. Yozo thì còn có thể đại khái gọi là nhân vật bi kịch phản-hiện-sinh, khi tinh thần “hiện sinh” đó chỉ giết chết cậu chứ không giúp cậu tốt đẹp hơn chút nào; thì Naoji, xin hãy chú tâm, hoàn toàn không phải nhân vật hiện-sinh như người ta tưởng thế. Sự mâu thuẫn trong tư tưởng về “dân chủ bần hàn kiểu mới” và trong “tính quý tộc từ trong xương tuỷ” của cậu được thời đại sinh ra – và chủ thể của hai loại trùng kí sinh đó phải trải qua những giây phút dằn vặt khủng khiếp không kém gì “cuộc cách mạng hạ thấp nhân phẩm” của người chị là Kazuko. Nhưng cậu lại lựa chọn không đầu hàng, mặc dù đáng tiếc thay cái chết của cậu cũng không thể nói là cái chết bảo toàn danh dự được như seppuku. Chẳng qua cái chết của cậu lại thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn kính và hổ thẹn trước tinh thần quý tộc ăn sâu trong máu cậu – cái “tinh thần quý tộc” bao hàm những nhân cách tinh thuần, tư tưởng cao quý, phẩm chất trọng vọng, chứ không phải những đặc quyền dành cho số ít. Cái chết của cậu như một sự đầu hàng trước quá trình cố gắng rũ bỏ những tinh hoa thời địa cũ để lao vào cái bừa bộn dân chủ đám đông của thời đại mới: “Tại sao lại nói là “như nhau”? Sao không nói là “ưu việt”? Chỉ là cuộc phục thù của bản tính nô lệ thôi. Tuy nhiên, câu nói này thực sự bỉ ổi và vô nghĩa. Nó đã làm cho con người sợ hãi nhau, mọi tư tưởng bị giam cầm, nỗ lực bị nhạo báng, hạnh phúc bị cự tuyệt, cái đẹp bị nhơ nhuốc, vinh quang bị chà đạp và em nghĩ cái gọi là nỗi bất an thế kỷ cũng xuất phát từ câu nói kỳ lạ này mà ra”. Đây cũng báo hiệu cho nỗi lo về một nền dân chủ đi theo thói thất thường, ngu xuẩn và tầm thường đồng đều của quần chúng. Sợ hãi, hay đúng hơn là tuyệt vọng khi thấy dân tộc mình dường như đang bị ép phải đi theo chiều hướng dân chủ đám đông, chán nản khi cảm thấy từng nhân cách độc đáo và đáng kính như người mẹ quý tộc đang dần biến mất, sau rốt cậu chọn cái chết để gìn giữ chút mẩu vụn cuối cùng của tinh thần cũ, để chống đối tinh thần mới – không đầu hàng thời cuộc.


Naoji tự sát, Kazuko sống tiếp với đứa con hoang của tương lai. “Tà dương” dần buông xuống bao trùm cả một dân tộc của Thái Dương Thần Nữ từng có nền văn hoá trọng chữ Đạo trong Shinto ngàn năm rực rỡ như mặt trời. Tà Dương vừa là ánh sang mù mờ khi một nền văn minh đang chìm dần, vừa là tinh thần dân tục đang dần tối tăm, là cái đẹp tinh thuần đang dần bị chiếm hữu bởi bóng tối tầm thường. Đơn giản và bi kịch, Tà Dương như một chén trà nguội cuối ngày dành cho những dòng suy nghĩ cực đoan.


Tái bút: Đại khái tôi vẫn thích Nhân Gian Thất Cách hơn dù Tà Dương cũng mang vẻ đẹp của riêng nó. Chẳng qua Nhân Gian Thất Cách có cái gì đó dễ suy diễn và dễ châm biếm hơn – con người ta dễ lên mặt chế giễu con người hơn là cả một thời đại. Chính đến Dazai, tôi mới loáng thoáng chạm đến được cái gấu váy của tinh thần dân tộc kiểu Nhật: lúc nào cũng u buồn, bi kịch, chấp thuận, phục tùng, đầy tự trọng, sự tự phán mạnh mẽ và lòng trọng danh dự cực đoan đến gần như một loại tín ngưỡng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét