Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

Cha và con (The Road) - Cormac McCarthy



“Cha và con” của Cormac McCarthy thuộc dòng truyện kết cấu đơn giản, khá dễ đọc, giết thời gian và tĩnh tâm rất tốt, đặc biệt giúp thư giãn nhờ giọng văn bình thản ổn trọng ngay cả khi nội dung dữ dội và u ám. Cốt truyện cũng khá quen thuộc, vào một ngày hậu tận thế khi thế gian chẳng còn mấy bóng người, có một cặp cha con chật vật di chuyển xuống phía Nam. Họ gặp vài chuyện trên đường, và kết thúc là người cha thì chết còn người con thì gặp một gia đình có vẻ là tốt và lại tiếp tục trăn trở sống cùng họ, tiếp nối dòng hi vọng mong manh.


Điều thú vị nhất của cuốn tiểu thuyết mỏng này có lẽ là sự đối lập đan xen vào nhau một cách hài hoà và sầu thảm. Sự đối lập dễ nhận thấy nhất có lẽ là dòng chảy khoan thai của ngôn ngữ xuyên suốt câu chuyện, tựa thực tựa hư, lặng lẽ mà khách quan mô tả lại một câu chuyện mang tính chất dữ dội và nghiệt ngã. Có lẽ trên thế giới này không mấy ai có thể dùng ngôn ngữ dịu dàng đến vậy để mô tả sự khốc liệt đáng sợ đến thế. Nhưng đó chỉ là một phần. Sự đối lập lớn nhất là nằm ở hai nhân vật chính không danh phận tên tuổi mà chúng ta chỉ biết được mối quan hệ giữa họ là cha và con. Thoạt nhìn, chúng ta có thể dễ dàng phán định rằng đứa trẻ trong sáng và ngây thơ hiển nhiên là niềm hi vọng của người cha, không chỉ thông qua tình yêu thương che chở hết mình của người đàn ông đối với con trong từng khung cảnh từng tình huống truyện, mà còn nằm ở chính tiếng lòng của ông khi nói tự nhủ rằng đứa trẻ là điều duy nhất ngăn cản ông đến với cái chết. Vậy là từ hình ảnh này, chúng ta cũng thừa sức suy diễn về ý nghĩa của truyện, rằng đứa trẻ là một biểu tượng của sự ngây thơ, lòng tin tưởng vào tương lai, là ánh sáng hi vọng nhỏ nhoi tiếp tục quẫy đạp trong thế giới tàn khốc để tiến lên phía trước, vân vân và mây mây. Nhưng nếu chỉ thế thì phải nói là truyện chẳng có gì mới mẻ ngoại trừ phong cách văn chương, thậm chí là tầm thường, vì trên đời này thiếu gì những nhà văn đem trẻ con ra để làm biểu tượng của hi vọng?


Nhìn sâu vào trong một chút, để ý chi tiết truyện hơn một chút thì ta mới thấm được cái đối lập sâu sắc hơn của truyện. Cái tôi hứng thú không phải là sự ngây thơ bản năng của đứa trẻ đã níu giữ tính mạng của người cha – một điều tôi thừa nhận là được mô tả hết sức sâu sắc và “thấm” – mà là sự phát triển đối lập trong cảm xúc của hai người.  Người cha – một người đàn ông trưởng thành, dễ dàng được gắn cho cái biểu tượng của sự thực tế, thấu hiểu cuộc đời và đầy kinh nghiệm, đặc biệt là thông qua những cách xử lý tình huống cứng rắn, hay nói thẳng ra là tàn nhẫn một cách có thể thông cảm – nhưng lại mới chính là người mang hi vọng mãnh liệt nhất, chấp nhất nhất với cuộc sống. Người ta nói rằng người lớn thì thực tế và dễ mất hi vọng do thấu hiểu hoàn cảnh, thế nên về cơ bản người lớn dễ rơi vào tình trạng suy sụp, tuyệt vọng hơn những đứa trẻ vốn luôn mang cái mác hi vọng vào tương lai nhiều. Nhưng hoàn toàn không phải thế - bất chấp đứng trước hoàn cảnh nghiệt ngã đau đớn đến như vậy, thì chính người đàn ông, người cha đó, lại có niềm tin tưởng mãnh liệt hơn cả vào cái gọi là “hi vọng vào tương lai” mà ông đã hiện thực hoá vào đứa con. Ông bảo vệ đứa con không chỉ là bảo vệ tình thương ruột rà, mà ông chính là đang bảo vệ niềm hi vọng và tình yêu cuộc sống của mình nữa. Cho đến tận những giây phút cuối cùng, ông vẫn kiên quyết muốn con phải vững vàng và tiếp tục cuộc sống ông không thể hoàn thành.


Đó chỉ mới là một phần. Lí do tôi nói đứa con, cái đáng lẽ là “biểu tượng hi vọng” đó thực ra lại phát triển một dòng cảm xúc hoàn toàn ngược lại, khác hẳn với cái danh biểu tượng mà thằng bé phải còng lưng mà gánh. Chính đứa trẻ “ngây thơ”, còn đẫm tính “nhân đạo”, vô thức cảm động trước những cảnh khố khổ hiếm hoi đụng phải trên đường đó mới chính là biểu tượng của sự tuyệt vọng. Thằng bé không đủ trưởng thành để chống chọi với sự chai sạn cảm xúc trượt dài trên con đường trống rỗng không đích đến, nên chính thằng bé mới là nhân vật thường trực chờ đợi cái chết một cách bình thản: khác hẳn với người cha luôn quẫy đạp trong bể khổ, đứa trẻ nép vào sống nhờ vào cái hi vọng mong manh của người cha bằng thái độ không chờ đợi, không chấp nhận, không hi vọng. Đấy mới chính là điểm độc đáo của phép đối lập đấy, khi mà người ta tưởng thế này những thực chất là thế kia cơ. Thằng bé đáng thương đứng trước đau khổ không còn cách nào khác phải lớn vượt tuổi, trước cả khi kịp có thời gian và trải nghiệm để chấn hưng sự chịu đựng và duy trì hy vọng nhạt nhoà. Ngay cả ở cảnh cuối, khi người cha đã chết để lại đứa con may mắn gặp được đồng loại để tiếp bước, và ngay cả khi đứa con nhận ra rằng “lửa” luôn ở trong mình, thì điều đó không có nghĩa là cậu bé đã trở nên lạc quan hơn và tin vào tương lai hơn, hay trở nên xứng đáng với danh hiệu “hy vọng” trên đường tìm kiếm một điều gì đó trong tương lai hơn. Điều đó chỉ đơn thuần rằng cậu đã nhận hy vọng từ người cha để tiếp tục sống cuộc đời khắc nghiệt bôn ba, và cậu tin vào “lửa” lòng mình như tin vào cha để có thể sinh tồn trong vô định mà thôi. Thế nên theo tôi, đứa trẻ không hẳn là hy vọng, nó là người thừa kế hy vọng từ quá khứ thì đúng hơn. Nhưng thế thì cũng chẳng khác lắm, dù sao vẫn là đi tìm con đường của mình và nhân loại mà thôi.



Có thể suy diễn được thêm một vài điều này nọ nữa nhưng sách không để lại ấn tượng quá mạnh với tôi lắm, vì nó thực sự không kích thích trí tò mò và muốn bóp méo hình ảnh cuả tôi. Khá ổn cho giải trí và thư giãn nhờ phong cách và giọng văn êm đềm mờ ảo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét